Vướng quy định Khi được công nhận di tích,ịchlýkhiđìnhlàngđượccôngnhậnditíket qua vo dich uc các đình làng phải tuân thủ các quy định quản lý của Nhà nước. Điều này có lợi cho di tích là bảo tồn nguyên vẹn giá trị lịch sử, kiến trúc. Thế nhưng, mỗi khi di tích xuống cấp, muốn trùng tu đòi hỏi cấp quản lý phải lập hội đồng đánh giá, lập kế hoạch trùng tu kèm theo dự trù kinh phí và gửi toàn bộ hồ sơ lên cấp trên xem xét, phê duyệt. Bên trong đình làng Phú Hòa. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn Theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ phê duyệt "Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh", trung bình mỗi hồ sơ tu bổ, phục hồi di tích từ khi lập đến khi phê duyệt phải mất từ 4 - 6 tháng. Với thời gian thẩm định quá dài, tính cấp bách, kịp thời trong huy động nguồn lực cũng như tình trạng di tích xuống cấp ngày càng trầm trọng hơn. Có nhiều di tích, ban đầu khi lập hồ sơ tu bổ, bảo quản với kinh phí đảm bảo thực hiện trong thời điểm đó, nhưng sau khi hồ sơ được phê duyệt rồi, di tích xuống cấp nặng hơn, vốn lại đội lên rất nhiều, trong khi không có cơ sở để bổ sung. Đây là điều rất khó khăn trong quá trình thực hiện trong thực tế. Làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các địa phương - nơi quản lý trực tiếp các đình làng được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia báo cáo rằng: “Nhiều khi dự án chỉ vài chục triệu đồng nhưng quy định bắt buộc phải lập dự án trùng tu rất chi tiết, phải gửi đến cơ quan thẩm định, phê duyệt trong thời gian quá dài, đã gây ra tình trạng thời điểm chờ đợi hồ sơ trùng tu, tu bổ phê duyệt cũng là lúc các di tích xuống cấp trầm trọng hơn. Chính phủ nên nghiên cứu điều chỉnh lại Nghị định 70 theo hướng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, thủ tục, đồng thời phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương trong quá trình quyết định trùng tu”. Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, cho hay: “Quy trình, thủ tục thể hiện một dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo Điều 17, Điều 20 tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ phải trải qua 4 bước: Thỏa thuận chủ trương lập dự án (30 ngày); thẩm định dự án (30 ngày); thẩm định thiết kế bản vẽ thi công (20 ngày); phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công theo Luật Xây dựng. Vướng mắc giữa Luật Di sản Văn hóa và Luật Đầu tư công trong việc thỏa thuận chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích. Việc thực hiện các thủ tục dự án tu bổ, tôn tạo di tích còn mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công việc theo thực tế”. Kinh phí trùng tu hạn hẹp Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đình làng được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia đang xuống cấp trầm trọng, như đình An Cựu, đình Phú Hòa, đình Kim Long, đình Xuân Hòa, đình Dương Xuân Hạ, đình Phú Xuân, đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng (TP. Huế), đình làng An Truyền, đình làng Lại Thế, đình làng Tây Hồ, đình làng Chiết Bi, đình làng Sình (huyện Phú Vang)… Tuy nhiên, đến nay, kinh phí để thực hiện trùng tu hầu như không có, trong khi nguồn lực huy động từ xã hội hóa khó khăn. Đình Lại Thế đang xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: Gia Hân Theo Sở Văn hóa & Thể thao, hàng năm, ngân sách Trung ương và của tỉnh phân bổ cho việc trùng tu toàn bộ di tích được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh rất thấp, trong khi đó số lượng di tích trên địa bàn tỉnh quá lớn nên khó thực hiện được. Còn đối với các huyện, thị xã và TP. Huế, do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, phải ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác nên chưa kịp thời phân bổ ngân sách hàng năm cho công tác tu bổ, chống xuống cấp về cho các địa phương nên trong thời gian qua, các địa phương không xây dựng kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp di tích. Việc huy động xã hội hóa đang còn hạn chế, nhiều người dân đang có suy nghĩ mỗi khi di tích đình làng được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia phải do Nhà nước đảm bảo kinh phí trùng tu, rồi một số nơi do cấu trúc cộng đồng làng xã bị phá vỡ, đô thị hóa, ruộng đất của các làng phục vụ cho sửa chữa, chống xuống cấp di tích nay lại không còn nên ý thức, trách nhiệm cộng đồng làng xã bị ảnh hưởng, người dân ít mặn mà trong việc đóng góp tiền bạc cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích… Đáng lẽ, khi đình làng được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia thì việc trùng tu, tôn tạo sẽ luôn đảm bảo, song trên thực tế lại khác xa, những đình làng chưa được công nhận thì việc huy động xã hội hóa diễn ra rất thuận lợi, bởi vì không bị ràng buộc quy định nào. Đơn cử là đình làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP. Huế) là ngôi đình làng cổ, chưa được xếp hạng di tích, song công tác huy động nguồn lực xã hội hóa rất tốt cho công tác lễ tế, sửa chữa. Anh Hoàng Dũng (phường Thủy Biều), cho hay: “Di tích đình làng chúng tôi có hơn vài trăm năm, song người dân luôn ý thức phải gìn giữ và bảo tồn nó một cách toàn vẹn. Đến ngày lễ tế, mọi người dân trong làng đều đóng góp tùy theo sức. Mỗi khi đình làng hư hỏng, xuống cấp, người dân trong làng lại huy động sức người, sức của để trùng tu, tôn tạo. Một điều thuận lợi, trong quá trình thực hiện là nhận ngay sự ủng hộ của người dân, và việc thực hiện không ràng buộc bởi quy định của nhà nước nên mỗi khi có kinh phí là chúng tôi thực hiện ngay”. GIA HÂN |