Luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ BHXH Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, BHXH Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Với việc xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL Quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến ngày 30/11/2022, Hệ thống đã xác thực 67.742.152 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 62.044.274 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 11.945 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 91,5% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 6.745.162 lượt tra cứu, trong đó có 4.248.553 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Ước đến ngày 31/12/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam sẽ thực hiện xác thực thông tin nhân khẩu cho tối thiếu 90% người tham gia trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư; toàn quốc có hơn 12.000 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, đạt khoảng 95% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc với khoảng 8 triệu lượt tra cứu thông tin phục vụ KCB BHYT. Bên cạnh đó, nhằm phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT được tốt hơn, BHXH Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID-BHXH số”. Tính đến ngày 30/11/2022, trên toàn quốc đã có 29.261.778 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 924.792 người với 1.861.332 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT. Ước đến ngày 31/12/2022, toàn quốc phấn đấu có 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID.
Tận dụng, khai thác thế mạnh của CNTT Trong lĩnh vực KCB BHYT, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý KCB, cải cách thủ tục hành chính, công tác giám định và thanh toán BHYT, bảo đảm quyền lợi của nhân dân tham gia BHYT cũng như hạn chế việc lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức Hệ thống thông tin giám định BHYT từ tháng 7/2016. Sau khi đưa vào vận hành sử dụng từ đầu năm 2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối liên thông dữ liệu trực tiếp giữa cơ quan BHXH Việt Nam với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến tuyến trung ương trên toàn quốc, đến nay đã tiếp nhận hơn 15 tỷ bản ghi dữ liệu của gần 1 tỷ hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT. Việc triển khai Hệ thống đã giúp thay đổi quy trình quản lý KCB, tiết giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi của người bệnh. Đồng thời, qua khai thác cơ sở dữ liệu tập trung, Hệ thống cung cấp các chức năng theo dõi giám sát, hiển thị bằng các bản đồ, biểu đồ trực quan, các báo cáo theo dõi tình hình sử dụng quỹ BHYT, thực hiện dự toán, đánh giá mức độ gia tăng tần suất KCB, chi phí ở từng tuyến, hạng bệnh viện và chi tiết đến từng cơ sở y tế, qua đó dễ dàng nhận định và phát hiện nhanh chóng các biến động, diễn biến giữa các kỳ, các tháng ở tất cả các cơ sở y tế; cảnh báo trục lợi BHYT, góp phần minh bạch thông tin, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng BHYT hoặc cơ sở y tế có biến động bất thường, sử dụng quỹ BHYT chưa thực sự hợp lý, quá mức cần thiết. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội quan trọng của đất nước, BHXH Việt Nam đã tận dụng triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và CNTT để cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT. “Đây là một bước tiến quan trọng của ngành BHXH Việt Nam, tận dụng, khai thác thế mạnh của CNTT để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT”, ông Nguyễn Đức Hoà khẳng định. |