Trước đó, ngày 24/4, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 đều là du học sinh từ Nhật Bản về, được cách ly ngay khi nhập cảnh, do đó, không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 3/5, Việt Nam có 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Hiện, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 270 trường hợp. Trong số các ca mắc Covid-19 còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 12 ca âm tính lần 1 và 9 ca âm tính lần 2 trở lên với vi rút SARS-CoV-2. Về số người cách ly, hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.530, trong đó có 246 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 5.748 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 24.192 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Với nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới nhiều người đang nghĩ tới viễn cảnh Việt Nam công bố hết dịch, tuy nhiên theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, theo quy định của chống dịch, phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh. Hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Do đó, Việt Nam phải xác định duy trì phòng, chống dịch lâu dài. Cụ thể, mỗi loại hình, mỗi cơ sơ sản xuất kinh doanh cung ứng dịch vụ phải thực hiện các điều kiện phòng bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện hướng dẫn người dân năm an toàn đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, tránh giao tiếp gần. Khi đi ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mãn tính, người già hết sức phải để ý. Ngoài ra, cũng phải thực hiện vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt bệnh tiêu hóa khi chuẩn bị vào mùa hè. Người dân tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở… Với cơ quan y tế, chính quyền các cấp đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng một cách triệt để, dập dịch quyết liệt. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người dân đã chủ quan, tụ tập đông người không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn. “Người dân cứ thấy không công bố thêm ca bệnh mới thì coi như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Đây là điều phải cảnh giác, chính quyền phải tăng cường kiểm tra để người dân phải tuân thủ các quy định đã được khuyến cáo bởi nếu không sẽ rất nguy hiểm”, ông Phu nói. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có xuất hiện làn són thứ 2 giống một số nước hay không nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, Việt Nam khó có làn sóng thứ 2 như Singapore, Nhật Bản… nhưng chúng ta cũng phải làm tốt việc tổ chức tiếp tục ngăn chặn dịch từ nước ngoài về vì dịch nước ngoài về rất phức tạp, phải làm tốt cách ly. Hiện nay, dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn rất phức tạp, xác định dịch kéo dài 18- 24 tháng nên chúng ta phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những người công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống dịch. Đặc biệt, Việt Nam phải thực hiện tốt việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly để dập dịch. Chúng ta không để như Singapore, làm tốt các vùng khác nhưng lại bỏ qua vùng dân nhập cư lao động dẫn đến dịch bùng phát mạnh, khó kiểm soát. Cũng theo chuyên gia này, dù nước ta có ghi nhận các ca mắc mới hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch, đó là đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài, nhất là người già và người có bệnh lý nền, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế, đặc biệt với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ. |