Thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, tổ chức sáng ngày 26/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp (DN) nói chung và các DN dịch vụ logistics nói riêng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, coi đây là đòn bẩy phát triển. Song, việc triển khai và ký kết các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… đòi hỏi DN phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực và hạ thấp chi phí của dịch vụ logistic. Đó cũng chính là lý do để Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 mang chủ đề: “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra các đề xuất nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics. Theo đó, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực logistics, trong đó khuyến khích DN đầu tư cho hoạt động R&D thành lập các trung tâm nghiên cứu riêng.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN.
Ngành tài chính góp phần cắt giảm chi phí logistics
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics cũng như hỗ trợ phát triển các DN logistics, thời gian qua, Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hải quan và thuế. Qua đó đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí trong hoạt động logistics cho DN.
Đáng chú ý, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động logistics. Điển hình là nghị định thay thế về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; nghị định về kinh doanh hàng miễn thuế; quyết định bổ sung về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020...
Đặc biệt, để phát triển dịch vụ hàng hóa quá cảnh trong khu vực ASEAN, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã ký Hiệp định khung về tạo thuận lợi thương mại. Trong đó có Nghị định thư số 07 về hàng hóa quá cảnh. Theo đó, hàng hóa quá cảnh của Việt Nam và các nước Đông Nam Á sẽ thực hiện theo Hệ thống quá cảnh ASEAN (Hệ thống ACTS)…
Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ, Bộ Tài chính đã quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quản lý hải quan, quản lý thuế đó là khai hải quan điện tử và nộp thuế điện tử. “Đến nay, gần 100% tờ khai khai hải quan cũng như gần 100% tiền thuế đã được nộp điện tử... Điều này tạo rất nhiều thuận lợi, tiết giảm thời gian, chi phí cho DN” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, việc đưa vào sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử (Hệ thống thông quan tự động VASSCM) đã tạo thuận lợi lớn trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cộng đồng DN, trong đó có DN logistics với kết quả phân luồng kiểm tra hàng hóa được phản hồi nhanh, các khâu trong thủ tục được thực hiện qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử giúp cộng đồng DN giảm chi phí không nhỏ trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đề cập đến việc áp dụng thí điểm giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng seal định vị điện tử... Áp dụng các chương trình này, DN xuất nhập khẩu đã giảm được 1/3 thời gian làm thủ tục với cơ quan hải quan và với các DN logistics so với trước kia.
Mục tiêu xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics đạt thứ 50 trở lên Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20%/năm, chiếm tỷ trọng 8 - 10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Tố Uyên