Tìm công nghệ phù hợp cho doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả | |
Doanh nghiệp sản xuất gia tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số | |
Doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế với chuyển đổi số |
Lễ ra mắt chương trình thạc sỹ. |
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số cho doanh nghiệp là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện từ mô hình, tổ chức cho đến tất cả các hành vi, mọi hoạt động của doanh nghiệp, người lao động trên nền tảng các công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong đó, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản trị được coi là “chìa khóa vàng” giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và xoay chuyển khi bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động. Đặc biệt, công nghệ số được ứng dụng hiệu quả giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác quốc tế trong chuỗi cung ứng, từ đó đẩy mạnh thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, phân tích tại Tọa đàm: “Công nghệ số trong trong quản trị doanh nghiệp hiện đại: Xu hướng quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại học West of England tổ chức vào chiều 8/6, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hụt về kiến thức, thiếu hiểu biết chuẩn xác về chuyển đổi số.
Cùng với đó, những khó khăn của doanh nghiệp còn liên quan tới kinh phí khi chuyển đổi số phải thực hiện trong tổng thể, dài hạn; nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ số, hạ tầng số và chuyển đổi số còn khó khăn. “Doanh nghiệp càng lớn, hệ thống càng lớn và phức tạp thì khó khăn càng lớn”, ông Đặng Vũ Tuấn nói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin, khoảng 15% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn mới có bộ phận công nghệ thông tin phụ trách các hoạt động công nghệ cho công ty, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thì bộ phận này chưa được đầu tư đúng mức vì còn hạn chế về vốn, cơ sở hạ tầng…
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám vì nhân sự công nghệ chất lượng cao bị các doanh nghiệp nước ngoài thu hút. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đào tạo, cải tổ lại quy trình cung cấp dịch vụ, cơ cấu tổ chức...
Vì thế, tại tọa đàm, chia sẻ về giải pháp để khắc phục khó khăn, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên ứng dụng từ những công nghệ đơn giản nhất, đừng loay hoay với những vấn đề quá vĩ mô, để có thể nâng cao nhận thức từ người điều hành doanh nghiệp cho đến đội ngũ nhân viên thực thi. Sau khi đã thành thạo công nghệ đơn giản nhất thì có thể tiến lên ứng dụng các công nghệ cao hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, năng lực của đội ngũ nhân sự là rất cần thiết, nên phải có sự đào tạo bài bản ngay từ trên ghế nhà trường, cũng như có những chương trình đào tạo cho đội ngũ quản trị doanh nghiệp.
Nhận thức được vấn đề này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp với Đại học West of England ra mắt hai chương trình thạc sĩ mới là thạc sĩ kinh doanh quản lý số và thạc sĩ kinh doanh quản lý chuỗi cung ứng. Chương trình được triển khai tại Việt Nam trên cơ sở tích hợp hệ thống năng lực quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và chuyên sâu về quản lý số và quản lý chuỗi cung ứng. Mục tiêu của chương trình là hướng tới đào tạo các nhà quản trị, doanh nhân có tư duy chiến lược, có kiến thức cập nhật và hệ thống về quản trị công nghệ, quản trị sự đổi mới sáng tạo, có tâm thế sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của môi trường bên ngoài.
GS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trước những cơ hội và thách thức của nền kinh tế thì việc đào tạo phải luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển các chương trình liên kết quốc tế chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ nhà quản trị mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.