Theo báo cáo nghiên cứu “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Chính sách-thị trường-sinh kế của hộ trồng rừng” do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phối hợp thực hiện vừa được công bố tại hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” diễn ra ngày 15-7, tại Hà Nội: Trong 5 tháng đầu năm, tổng lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 248 triệu USD. Các con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 2,98 triệu tấn và 430 triệu USD của cùng kỳ năm 2015.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Quang, Tổ chức Forest Trends cho biết: Hiện lượng dăm tồn, không xuất khẩu được rất lớn. Sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến, xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng. Điều này cũng tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Theo ông Quang, điều đáng chú ý còn là, xuất khẩu dăm những tháng đầu năm nay không chỉ giảm về lượng và giá trị mà còn giảm về số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu. Cụ thể, trong năm tháng qua, chỉ có 64 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, giảm sâu từ con số 101 doanh nghiệp trước đó.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhìn nhận: Sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ dịp đầu năm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do giảm nhu cầu trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc bởi đây đang là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
“Hiện xu hướng giảm cầu dăm chưa có dấu hiệu chững lại và điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dăm và toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc phân tích thêm: Thị trường thế giới về tiêu thụ dăm gỗ bị co hẹp, mức giá xuất khẩu giảm, trong khi đó giá dầu thô trên thế giới giảm lại kéo theo việc giảm chi phí vận chuyển. Điều này tạo động lực cho việc hình thành và phát triển nguồn cung dăm mới từ một số quốc gia khu vực châu Phi về phía châu Á, đặc biệt về thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan cũng tăng mạnh do cây đến chu kỳ khai thác. Tất cả các yếu tố này tạo ra sự dư thừa trong nguồn cung, dẫn đến hệ lụy giá dăm nhập khẩu giảm.
Theo một số chuyên gia, giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam giảm không chỉ bởi sự rớt giá của thị trường thế giới mà còn còn do một số vấn đề nội tại của chính ngành dăm. Đó là ngành dăm phát triển chưa đồng bộ, thiếu chiến lược dài hạn, chạy theo phong trào, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển mất kiểm soát, đặc biệt là đối với cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình ở vùng Bắc Trung Bộ.
“Tuy không phải là nguyên nhân quan trọng, song việc thuế xuất khẩu thay đổi từ 0% lên 2% kể từ 1-1-2016 cũng là một yếu tố khiến xuất khẩu dăm những tháng đầu năm nay thêm khó khăn”, ông Phúc nói.
Nhiều chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn, xuất khẩu dăm gỗ vẫn là một kênh thị trường quan trọng cho hàng triệu hộ gia đình trồng rừng và người lao động, trực tiếp góp phần vào cải thiện sinh kế. Hiện nay, vấn đề cần giải quyết nhanh chóng là đảm bảo chất lượng dăm xuất khẩu và tạo tiếng nói chung của cả ngành dăm, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ ép giá từ người mua, gây thua thiệt cho ngành dăm nói riêng và cả ngành gỗ nói chung.
Trong giai đoạn 2014- 2015, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của các tháng từ 1-5 đều cao hơn các tháng cùng kỳ của năm 2013. Tuy nhiên, đến đầu 2016, trong tháng 1 và tháng 2, khối lượng và giá trị xuất khẩu dăm gỗ giảm rất nhiều so với các tháng cùng kỳ của các năm trước đó. Cụ thể, khối lượng dăm gỗ xuất khẩu tháng 1-2014 và 2015 đều đạt mức trên 600 nghìn tấn, trong khi tháng 1-2016 khối lượng xuất khẩu chỉ đạt 175 nghìn tấn. Lượng dăm gỗ xuất khẩu của tháng 2-2016 giảm đột biến, chỉ đạt 28 nghìn tấn, tương đương 5,4% lượng xuất của tháng 2-2015 và 7,8% lượng xuất của tháng 2-2014. Sang tháng 3 và tháng 4-2016, khối lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại, đạt mức cao hơn cùng kỳ năm 2015 nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu dăm chỉ tương đương. Điều này cho thấy sự tụt giảm về giá xuất khẩu. Đến tháng 5, khối lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 461 nghìn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015. |