Mua được căn nhà là mơ ước cả đời của mỗi người,Đoạntrườngmuanhàxãhộbongdanet tv mỗi gia đình |
Có phải đi thuê nhà mới hiểu nỗi khổ mỗi lần chủ nhà thông báo lấy lại nhà. Khi đó, lại một lần long sòng sọc tìm nhà mới, mà tìm nào có dễ, vị trí, giá cả, an ninh, điện nước... Vì vậy, ai chẳng muốn có một ngôi nhà thuộc về riêng mình.
Chừng mươi năm trở về trước, mua nhà là phải tiền chồng cả cục. Thành ra, mua được căn nhà là mơ ước cả đời của mỗi người, thậm chí có nhiều người làm việc cả đời cũng không đủ tiền để có được “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn Hà thành.
Bây giờ, nhà chung cư thành xu hướng, giá cả tầm tầm, đóng tiền theo tiến độ, được vay vốn ngân hàngtới 70 - 80% giá trị căn hộ, thời hạn vay lên đến 15 - 20 năm. Thậm chí, có một số dự án, khách không phải trả lãi trong thời gian nhất định.
Thế nhưng, cơm áo không đùa với khách thơ, dự án vừa túi tiền, đủ tiện ích thì lại quá xa nơi làm việc, hoặc không tiện đường đưa con đi học. Nơi tiện đủ đường thì đắt quá. Thế nên, hàng ngàn gia đình vẫn mong chờ vào vào dự án nhà xã hội, giá rẻ, lãi suất thấp.
Anh bạn tôi kể, khi anh định mua một căn hộ trong một dự án nhà ở xã hội tại Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), có chị bạn chẹp miệng, nhà giá rẻ, chất lượng thấp, mua làm gì. Nghe vậy anh thấy vừa buồn buồn vừa hoang mang.
Gần đến lúc nhận nhà, có lúc anh thấy chán chán vì đọc trên báo thấy các dự án nhà xã hội khác bị kêu nhiều quá, nào kêu ca chất lượng, nào dịch vụ, nhà thì lở trần, nhà thì nứt tường… Nhưng khi nhận nhà rồi thì rất hài lòng, bởi chất lượng nhà khá tốt, lại gần trung tâm, đi lại cũng thuận tiện.
Quan trọng hơn, đó là cảm giác có nhà, nhà của riêng mình. Cứ lúc nào rảnh lại tính mua sofa phòng khách thế nào, giường tủ, nhà bếp ra sao..., như con chim tha từng cọng rơm về xây tổ.
Bây giờ, anh bạn tôi đã có một căn hộ 2 phòng ngủ, không rộng thênh thang, nhưng xinh xắn, ấm cúng, có bộ sofa màu xanh da trời xinh đẹp, có ban công nho nhỏ mở ra từ phòng ngủ, có thể kê bộ bàn ghế, bày dăm chậu cây làm chỗ uống trà, thư giãn và nhất là không phải lo chủ nhà đòi nhà.
Lắm lúc nghĩ lại đoạn trường mua nhà xã hội, anh bạn tôi bảo, không biết làm sao có thể làm được, bởi thủ tục “nhiều lắm, đủ các loại giấy tờ”. Cứ mỗi khi chạy vạy, xin được một loại giấy tờ nào đó, thì lại phát sinh thêm giấy tờ khác. “Cảm giác thủ tục chẳng bao giờ kết thúc” - anh nhớ lại.
Đầu tiên là phải có sổ tạm trú dài hạn ở Hà Nội (KT3). Anh kể, có được sổ KT3 rất khó, bởi đây là xác nhận tạm trú dài hạn tại một phường, xã ở Hà Nội, trong khi những người thuê nhà thì không ở cố định tại một nơi lâu dài, mà thường di chuyển do nhiều yếu tố.
Anh nhớ lại, làm thủ tục này phải mất khoảng 20 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ. Khi làm đủ hồ sơ và được Công an phường hẹn thứ Hai tuần sau đến lấy sổ đã thấy mừng, nhưng chợt giật mình vì hạn nộp hồ sơ đăng ký mua nhà là thứ Bảy này. Anh bạn tôi phải “nói khó” hết lời mới được cấp sổ vào thứ Sáu để hoàn thiện thủ tục.
Xong KT3, lại đến có được xác nhận chưa có nhà ở. Thủ tục này cũng phức tạp, phải lấy xác nhận, chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố với nội dung có trú ngụ trên địa bàn và chưa có nhà, sau đó đến gặp địa chính phường xin xác nhận.
Rồi phải đến cơ quan xin xác nhận thuộc diện thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng đối với một cá nhân, rồi đến ngân hàng mà cơ quan thực hiện trả lương qua đó đề nghị in sao kê 6 tháng gần nhất…
Do anh bạn tôi còn chưa vợ, nên phải về quê xin xác nhận độc thân. Thế là xin cơ quan nghỉ 2 ngày về quê. Khi đến UBND xã thì cán bộ bảo là phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới xác nhận. Giờ phải làm sao? Chả nhẽ lại lên Hà Nội, xin giấy giới thiệu rồi trở lại quê? Cuối cùng vẫn thêm một phen “nói khó” với chị cán bộ để được lấy sớm.
Chưa kể, hồ sơ vay vốn ngân hàng cũng trăm thứ bà rằn. Vì độc thân, anh bạn tôi phải nhờ một người thân cùng chịu trách nhiệm đồng trả nợ trong hợp đồng vay. Ngân hàng vay vốn không phải là ngân hàng đang hợp tác với chủ đầu tư, nên phải nhờ vả mãi mới được linh động cho vay...
Nhưng rồi mọi thủ tục cũng xong, chỉ còn chờ hồ sơ được duyệt. Cũng chấm điểm hồ sơ, tỷ lệ chọi căng thẳng chẳng kém gì thời đi thi đại học. Hồ sơ được duyệt rồi, lại mong chờ tiến độ thi công. Cho đến khi được bàn giao nhà thì mới yên tâm.
Hàng xóm của bạn tôi là một gia đình trẻ, chồng là bộ đội, vợ là nhân viên ngân hàng, trước đây hai vợ chồng ở nhà bà ngoại tận Tây Mỗ, đi làm xa xôi ngót 20 km mỗi chiều. Chờ mãi mới có cơ hội mua nhà. Anh chồng rất chịu khó trồng cây, nuôi chim, ban công nhà anh ai đến cũng thích, xanh mát và lách chách tiếng chim.
Chị vợ tên là Yến kể rằng, chắt chiu mãi hai vợ chồng mới mua được căn hộ, cứ có nhà là mừng rồi, quanh nhà toàn gia đình trẻ, nên hàng xóm chia sẻ rất đầm ấm. Tối tối, lũ trẻ tụ tập chơi trong hành lang, nhà mở cửa bố mẹ loay hoay trong nhà vẫn tiện trông con, hàng xóm đi qua có khi lại ghé vào làm chén trà, buôn dăm ba câu chuyện.
Lễ tết thì liên hoan. Lúc trước còn bày ra hành lang, nhưng sau ban quản lý yêu cầu không tổ chức ăn uống ở hành lang thì chia bên lẻ, bên chẵn rồi tổ chức ở một nhà nào đó, mỗi nhà góp một món. Thế là có bữa liên hoan vui vẻ.
Có nhà gửi con ngay nhà trẻ dưới tầng trệt, có nhà vẫn cho con học ở trường cũ, vì gần cơ quan bố mẹ, tiện đưa đón. Quanh đấy có siêu thị, có chợ, sáng ra đi chợ coi như kết hợp đi bộ tập thể dục.
“Nói thật, trong nhà của mình thì ổn, cuộc sống có nhà dù sao cũng tự do hơn, có thể bài trí, sắp xếp theo ý mình, hàng xóm cũng thân thiện. Nhưng cũng còn nhiều chuyện bức xúc”, chị Yến chia sẻ.
Mặc dù chị dọn về ở đã hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Chủ đầu tư yêu cầu phải có 2 trong 5 “ghế” thành viên ban quản trị. Trong khi cư dân cho rằng, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được 1 “ghế” mà thôi. Chưa giải quyết được vấn đề này thì hội nghị vẫn chưa thể tổ chức.
Trong khi đó, người dân còn phát hiện chủ đầu tư xây thêm tầng 36 bán với giá thương mại. Theo thiết kế, tòa nhà chỉ có 35 tầng, nhưng chủ đầu tư cơi nới thêm, dẫn đến tăng tải cho các tiện ích khác như thang máy, đổ rác, vệ sinh... Chưa kể, khối đế thương mại được thiết kế với 3 tầng, thì chủ đầu tư đã thay đổi chiều cao để bố trí thêm 1 tầng lửng gọi là tầng K...
“Thật ra, mấy chuyện như vậy còn tùy xem mình gặp phải chủ đầu tư nào, chứ không phải cứ nhà xã hội là lắm chuyện lôi thôi. Mà có cái nhà của riêng mình là đã hạnh phúc lắm rồi”, chị Yến nói rồi cười vẻ mãn nguyện.