Góp phần xóa đói giảm nghèoTừ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt hàng trăm nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các hộ nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đối tượng được trợ cấp, gồm: hộ nghèo thuộc xã khu vực II, khu vực III tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực; hộ nghèo thuộc huyện thực hiện Chương trình 30a nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy. Mức trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng. Thực trạng cho thấy vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi có địa hình phức tạp, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, năng suất lao động thấp. Vì vậy, kinh tế của đồng bào còn khó khăn, đa số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng thiếu lương thực xảy ra quanh năm. Việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giải quyết ngay được tình trạng thiếu lượng thực, bảo đảm ổn định đời sống và giúp người dân yên tâm sản xuất. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia được người dân và chính quyền các địa phương nhiệt tình ủng hộ; mang lại hiệu quả thiết thực về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng. Người dân vùng cao được hỗ trợ gạo đã làm thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Bên cạnh đó, hoạt động này tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó, thu hút được các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, hạn chế tình trang di dân, di cư bất hợp pháp, bảo đảm an sinh xã hội; giảm bớt áp lực do người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Sẵn sàng nguồn lực dự trữ, xuất cấp đúng đối tượngTheo Tổng cục DTNN, qua thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ rừng đã cho thấy, đây là một chủ trương đúng, mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao diện tích, giá trị rừng, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập và giải quyết tình trạng thiếu lương thực cho người dân vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, gạo dự trữ quốc gia, phương tiện để tổ chức xuất cấp đúng đối tượng. Theo Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Thanh Hóa, trong kế hoạch hàng năm đơn vị luôn có phương án cho công tác xuất cấp hỗ trợ gạo cho người dân trồng, chăm sóc bảo vệ rừng. Mới đây, đơn vị đã hoàn thành việc xuất kho, giao nhận 309,916 tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) cho nhân dân huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng (đợt 4 năm 2023). Đại diện lãnh đạo Cục DTNN khu vực Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi có quyết định xuất cấp của Tổng cục DTNN, căn cứ vào kế hoạch phân bổ số gạo tiếp nhận của huyện Mường Lát, đơn vị đã khẩn trương chuẩn bị nhân lực, phương tiện để sẵn sàng xuất cấp đến tận tay, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, đơn vị giao nhiệm vụ cho Chi cục DTNN Triệu Sơn tiến hành lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị tốt điều kiện lao động, kho tàng, dụng cụ phục vụ xuất kho. Tại Cục DTNN khu vực Bắc Thái, đơn vị này cũng vừa hoàn thành xuất cấp 571,590 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân tỉnh Bắc Kạn thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cục DTNN khu vực Bắc Thái cho biết, thực hiện quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, để đảm bảo việc xuất cấp gạo đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo quy định, đơn vị đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn và các bên liên quan tiến hành lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị đầy đủ kho tàng trang thiết bị, nhân lực, phương tiện vận chuyển theo đúng quy định. Với tinh thần quyết tâm xuất cấp gạo dự trữ quốc gia đến đúng đối tượng thụ hưởng, đơn vị đã hoàn thành xuất cấp 571,590 tấn gạo dự trữ quốc gia cho 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn gồm: Pắc Nặm, Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì. Qua thực tế xuất cấp tại các địa phương cho thấy, người dân các địa phương rất phấn khởi khi nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ. Công tác hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo dự trữ quốc gia cho các dự án trồng rừng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Nhiều địa phương đã tăng độ che phủ đất trống đồi trọc, giúp bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai, dịch bệnh. Giá trị của mỗi suất gạo hỗ trợ tuy không lớn, nhưng đã thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống người dân của Chính phủ cùng tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mỗi cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xuất cấp gạo đã tiếp thêm niềm tin, tạo động lực để người dân nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế một cách bền vững.
|