Dấu ấn nhà đầu tưtiên phong Đúng 1 năm trước đây, Samsung Việt Nam đã khởi công xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất của Tập đoàn ở khu vực Đông Nam Á, với vốn đầu tư 220 triệu USD. Đại dịch Covid-19 dường như không ảnh hưởng tới quyết tâm của nhà đầu tư này. Và vì thế, sau một năm, việc thi công dự án vẫn đảm bảo đúng tiến độ. “Hiện chúng tôi đang thi công phần đào móng và kết cấu tầng hầm theo đúng tiến độ, với 27% công việc đã hoàn thành. Dự kiến trong mùa hè năm nay, sau khi hoàn thành hạng mục đào đất và kết cấu tầng hầm, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc xây dựng phần nổi. Dự án dự án hoàn thành vào cuối sang năm, với tổng thời gian xây dựng là 34 tháng”, trên công trường xây dựng Trung tâm R&D của Samsung ở Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã cho biết như vậy. Cũng theo ông Choi Joo Ho, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Samsung và các nhà đầu thi công đã tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về phòng chống dịch của Chính phủ. Tất cả các nhân viên trước khi vào công trường đều phải khai báo y tế, đồng thời được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày. “Việc triển khai xây dựng Trung tâm R&D mới là một dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Nếu như trong thời gian qua, Samsung tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, thì với việc đưa vào vận hành Trung tâm R&D mới, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung, mà còn là trung tâm chiến lược về R&D của Tập đoàn”, ông Choi Joo Ho một lần nữa nhấn mạnh điều này và cho biết, với vị thế là một trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á, đồng thời cũng là trung tâm R&D lớn nhất của các doanh nghiệpđầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu các cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Theo kế hoạch, Trung tâm R&D của Samsung sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và sẽ không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… Samsung, ngay từ khi bắt đầu đầu tư lớn vào Việt Nam vào năm 2008, với tổng vốn đầu tư tính đến nay khoảng 17,5 tỷ USD (98% khoản vốn này đã được giải ngân hết - PV), đã xác định đầu tư nghiêm túc và bài bản cho các hoạt động R&D. Ban đầu, hoạt động R&D được thực hiện tại nhà máy ở Bắc Ninh, sau đó, tới năm 2012, “chuyển” sang Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC), đặt tại trụ sở đi thuê (tòa nhà PVI). Và năm ngoái, tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới đã quyết định xây “đại bản doanh” cho hoạt động R&D của mình tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D. Tập đoàn này hiện có 37 trung tâm R&D, nhưng ngoài 6 trung tâm ở Hàn Quốc, thì các trung tâm còn lại đều hoạt động ở các văn phòng đi thuê. Điều này chứng tỏ, Samsung ngày càng đánh giá cao vai trò của thị trường Việt Nam đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.
Xây giấc mơ R&D Đầu tư cho R&D được coi là hoạt động đầu tư thượng nguồn. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên toàn cầu cũng mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Việt Nam thậm chí trong những năm gần đây, đã xây giấc mơ trở thành trung tâm R&D của thế giới. Trong định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, R&D là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Trong dự thảo các dự án trọng điểm quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, các lĩnh vực R&D, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin… cũng đặc biệt được coi trọng. Để hiện thực hóa giấc mơ này, đầu năm nay, Việt Nam đã chính thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), với kỳ vọng thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới, các chuyên gia, các nhà khoa học về đây “làm tổ”, thực hiện các hoạt động R&D. NIC thậm chí được coi là chìa khóa quan trọng để Việt Nam tận dụng các cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa kinh tếViệt Nam “tiến cùng và vượt lên”. Vì thế, các thể chế, chính sách đột phá cũng đã được xây dựng. “NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất mà Chính phủ có một nghị định riêng để trao cho các thể chế vượt trội, tạo điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết như vậy.
Không chỉ với riêng NIC, mà Chính phủ Việt Nam cũng sẵn sàng các cơ chế, chính sách thuận lợi nhất, vượt trội nhất dành cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực R&D. Theo quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi, các dự án thành lập trung tâm R&D có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt, cao hơn quy định hiện hành của Luật và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể sớm trở thành trung tâm R&D của thế giới? “Việt Nam đã trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động, tôi hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thiết kế, trung tâm R&D của thế giới”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia đã chia sẻ với Báo Đầu tư như vậy. Chính Qualcomm năm ngoái cũng đã quyết định xây dựng một phòng Lab đầu tiên tại Hà Nội, chính thức lần đầu tiên thiết lập các hoạt động R&D tại Việt Nam. Thực ra, ông Thiều Phương Nam đã nói đúng. Hơn 10 năm trước, không ai nghĩ một nền kinh tế như Việt Nam có thể trở thành công xưởng lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị di động. Nhưng nay, mọi chuyện đã thay đổi. Sau cú hích của Intel, và đặc biệt là Samsung, hàng loạt tên tuổi lớn của làng công nghệ thế giới đã đến Việt Nam, như Nokia, Microsoft, LG, Kyocera… và đặc biệt, hai năm gần đây, là sự tăng tốc đầu tư của Foxconn, Pegatron, Luxshare, Wistron… Tương tự như vậy, Việt Nam cũng có thể trở thành trung tâm R&D của thế giới, nhờ vào các thể chế, chính sách vượt trội và nhờ vào những nhà đầu tư tiên phong như Samsung. Chính quyết định đầu tư lớn cho R&D của Samsung tại Việt Nam đã góp phần quan trọng tại “cú hích” để các nhà đầu tư khác quan tâm hơn tới các hoạt động R&D tại Việt Nam. Một bằng chứng cụ thể, là theo chân Samsung, Tập đoàn LG cũng nuôi tham vọng trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực R&D tại Việt Nam. LG dự kiến xây một trung tâm R&D lớn tại Đà Nẵng và biến nơi đây trở thành “một câu chuyện mới” về R&D trong lĩnh vực điện tử. Trong khi đó, Tập đoàn Pegatron, cùng với việc nâng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD, thì cũng có kế hoạch đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại Việt Nam. Khi các trung tâm R&D lớn của các đại gia công nghệ thành hình, thì giấc mơ trở thành trung tâm R&D của thế giới sẽ đến gần hơn với Việt Nam. |