“Thống nhất và có sự phối hợp từ các bộ, ngành Trung ương cho đến các địa phương trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch từ sản xuất, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước… và quản lý được quy hoạch đã được thông qua”, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 26/9 tại Cà Mau.
(CMO-NP)“Thống nhất và có sự phối hợp từ các bộ, ngành Trung ương cho đến các địa phương trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch từ sản xuất, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước… và quản lý được quy hoạch đã được thông qua”, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 26/9 tại Cà Mau.
Tham dự hội nghị còn có nguyên Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Phía Cà Mau có sự tham dự của Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, tình trạng BĐKH đã tác động ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là hạn hán, xâm mặn, sụp lở đất ven biển, ven sông. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà nhận định: Vùng ĐBSCL là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay đây là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường và xâm nhập mặn. Hằng năm, khoảng 50% diện tích vùng ĐBSCL bị ngập lũ từ 3-4 tháng, 40% diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất an ninh lương thực..., cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để chủ động ứng phó.
Tình trạng xâm nhập mặn đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng. Đặc biệt, trong mùa khô 2015-2016 tình trạng xâm nhập mặn được đánh giá là nặng nề nhất trong 100 năm qua, xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với trung bình nhiều năm, làm thiệt hại 405.000 ha lúa, 197.000 ha hoa màu và trên 82.000 ha tôm nuôi. Ngoài ra, hạn mặn đã khiến cho có lúc cao điểm đến 390.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt,… Tổng thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL lên đến 7.900 tỷ đồng.
Đối với địa bàn tỉnh Cà Mau, hạn mặn trong vụ mùa vừa qua cũng đã gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thông tin, phần lớn diện tích của tỉnh thuộc phần ngập nước ven biển, cấu trúc địa chất yếu, nhiều cửa sông, cửa biển dân cư sống rải rác, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt chủ yếu là nước trời, nước ngầm. Hạn mặn đã làm thiệt hại trên 52.000 ha lúa, 53.000 ha tôm nuôi và trên 113 km lộ giao thông bị súp lún, hư hỏng. Mùa mưa thường xuất hiện dông lốc gây thiết hại về nhà cửa và chìm nhiều tàu khai thác biển. Nhiều công trình đê biển, bến cảng, công trình giao thông, cụm dân cư ven biển, ven sông, rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá... Tổng thiệt hại trong mùa khô vừa qua lến đến trên 1.086 tỷ đồng.
Trước những tác động nặng nề của BĐKH, nhiều nhà khoa học cũng như các bộ, ngành Trung ương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ thiệt hại cũng như quản lý nguồn tài nguyên nước, mô hình kinh tế,… cho vùng ĐBSCL.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, đây là vùng phụ thuộc lớn vào số lượng và chất lượng nước từ sông Mêkông ngày một giảm, tình trạng sụp lún ngày càng nghiêm trọng. Cần phải có nhận thức cụ thể, chính xác thì mới có thể đưa ra giải pháp thích ứng phù hợp nhất trên cơ sở cập nhật những diễn biến mới, từ đó, xây dựng bản đồ cho từng vùng, tiểu vùng, từng địa phương. Đặc biệt, phải làm tốt công tác thông tin truyền thông từ trong Đảng cho đến người dân để thống nhất từ suy nghĩ đến hành động, đưa ĐBSCL ngày một phát triển bền vững.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. |
Trên cơ sở kịch bản BĐKH trong giai đoạn mới cũng như những dự báo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo, những thách thức của vùng ĐBSCL hiện nay đến từ nhiều phía, từ thời tiết thiên tai cho đến việc quản lý nước của các nước trong khu vực và đến cả từ sự yếu kém của chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm nghèo đi tài nguyên, sự chồng chéo trong quản lý. Do đó, chúng ta phải hết sức bình tĩnh để tìm giải pháp thích ứng và phát triển bền vững. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng người dân. Đối với giải pháp công trình cần có nghiên cứu để phân loại đâu là công trình bắt buộc phải làm, đâu là công trình cần thiết làm, đồng thời phải có nghiên cứu đến tác động môi trường./.