Cuối năm là thời điểm vàng để kinh doanh hàng hóa tết. Từ các hệ thống siêu thị đến chợ truyền thống,ếtđsẵlịch bóng đá c3 hàng tết đã lên kệ sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.
Khách hàng tham quan và mua sắm hàng hóa tết tại siêu thị.
Càng về những ngày cuối năm, không khí mua sắm càng nóng dần lên, nhất là khi nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đã hoàn tất việc trang trí, sắp xếp các mặt hàng đặc trưng tết lên kệ. Các loại thực phẩm, bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, đồ trang trí, đồ gia dụng, quần áo may sẵn trưng bày bắt mắt, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Kha, bộ phận marketing, siêu thị Co.opMart Vị Thanh, hiện nay nhịp khởi động của thị trường có phần chậm hơn so với năm ngoái, tuy nhiên khoảng rằm tháng Chạp trở lên mới đánh giá được chính xác diễn biến sức mua năm nay. Về khâu chuẩn bị các hàng hóa tiêu dùng tết được siêu thị thực hiện khá sớm. Các loại thực phẩm chế biến sẵn đơn vị đã làm việc với đối tác từ cách đây 3 tháng nên hàng hóa rất dồi dào. Riêng các loại thực phẩm hạn sử dụng ngắn, đồ tươi sống thì thời gian nhập hàng sẽ cận tết hơn.
Đây cũng là thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị quà tết cho người lao động. Do đó, tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị bày biện nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng với các mức giá khác nhau, dao động từ 150.000 đồng đến 3.000.000 đồng. các giỏ quà phân khúc giá từ 400.000-600.000 đồng thường có sức tiêu thụ mạnh nhất. Ngoài loại giỏ truyền thống còn có dạng hộp thiết kế sẵn, kiểu dáng đơn giản và sang trọng để phong phú thêm lựa chọn cho khách hàng. Những năm gần đây, xu hướng lựa chọn các mẫu giỏ và hộp quà thiết kế sẵn ngày càng tăng, bởi giá cả đều đã tính sẵn và có thêm ưu đãi, giảm giá đến 20% khi đặt mua sớm. Cũng theo đại diện các siêu thị, năm nay các mặt hàng nhập khẩu số lượng hạn chế hơn so với năm ngoái, hàng Việt chiếm ưu thế ở hầu hết các nhóm hàng thực phẩm.
Còn tại các chợ truyền thống, nhiều loại bánh, mứt cũng đã rục rịch lên kệ, nhưng số lượng chưa nhiều. Được biết, các tiểu thương ở đây còn khá dè dặt, lo ngại người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu vào dịp tết này. Bà Mã Tuệ Dung, bán tạp hóa tại nhà lồng chợ Vị Thanh, cho biết: “Thời gian này mấy năm trước đã có khách mua lai rai, nhưng năm nay có phần trầm lắng. Giá cả không tăng bao nhiêu nhưng đối với các tiệm nhỏ, bán lẻ như tôi khâu nhập hàng chuẩn bị đã giảm khoảng 10%, còn phải tùy tình hình trong một tuần kế tiếp xem sức bán thế nào mới cân nhắc lấy hàng tiếp”.
Tại các lô, sạp bán đồ gia dụng ở chợ Vị Thanh không khí có phần rộn ràng và tấp nập hơn, nhiều loại hàng hóa bày ra chật kín cả lối đi, từ đồ gia dụng bằng nhựa, inox, đồ sành sứ… Phía ngoài cùng là vật dụng vệ sinh nhà cửa các loại để tiện cho khách ghé vào mua. Đây đều là những mặt hàng sức mua cao từ đầu tháng 12 âm lịch và duy trì đến 24-25 tết, bởi nhu cầu thay mới nhiều loại vật dụng và dọn dẹp nhà cửa của người dân tăng cao.
Đang bận rộn đóng gói hộp ly, dĩa cho khách sỉ, chị Huỳnh Ngọc Tú, bán đồ gia dụng chợ Vị Thanh, chia sẻ: “Mỗi ngày đều có chuyến hàng nhập về mới kịp, các đơn hàng số lượng nhiều bỏ mối đi các điểm chợ xa đều đặn từ 5-7 đơn/ngày. Riêng khách lẻ thì số lượng tăng từng ngày. Tình hình buôn bán tới nay là ngang ngửa so với năm ngoái, được vậy là mừng lắm rồi”.
Còn bà Trần Thị Cẩm Xuyên, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chuyên mua hàng về bán tại chợ vùng ven thì cho hay: “Tôi lấy hàng về bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, cái chính là mình biết chọn đúng mặt hàng mà mọi người dùng nhiều trong thời gian này. Đối với hàng hóa tết phải lựa kỹ, chịu khó lấy về nhiều mẫu mới để khách hài lòng, dễ chọn, dễ mua mới không sợ bị ôm hàng”.
Theo dự báo của các doanh nghiệp và nhà bán lẻ trong nước, sức mua của người dân còn tiếp tục duy trì mức cao và tăng mạnh hơn trong thời điểm cận tết. Trong đó, sức mua có thể tăng lần lượt theo các nhóm ngành hàng quần áo thời trang, giày dép, túi xách, đồ trang trí, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng gia đình, thực phẩm chế biến sẵn, đặc sản và thực phẩm tươi sống…
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC