(CMO) Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất là mục tiêu mà tuyến y tế cơ sở huyện Trần Văn Thời không ngừng phấn đấu để đạt được trong thời gian gần đây.
Mưa trái mùa liên tục xuất hiện là điều kiện để các bệnh truyền nhiễm bùng phát. Cùng với các cơ sở y tế công lập trong mạng lưới y tế cơ sở huyện Trần Văn Thời, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Phòng khám Đa khoa khu vực (phòng khám) Khánh Bình Tây đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường các biện pháp đảm bảo các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, hoá chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường trước, trong và sau mùa mưa.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Là nơi tiếp nhận bệnh nhân tuyến đầu tiên, được Nhân dân trong xã và các xã lân cận tin cậy, phòng khám xác định: công tác khám bệnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị.
Cách nay 3 năm, từ Dự án AP, phòng khám được xây mới hoàn toàn. Trong tổng diện tích hơn 2.500 m2, phòng khám có đầy đủ các hạng mục gồm: khối nhà chính, nhà công vụ, lò đốt rác, nhà xe, vườn thuốc nam...
Nguồn nhân lực phòng khám đủ chuẩn với 4 bác sĩ CKI, 2 bác sĩ đa khoa, 1 dược sĩ đại học, 2 dược sĩ trung học, 4 y sĩ đa khoa, 3 nữ hộ sinh trung học, 2 điều dưỡng sơ cấp... Trong năm 2016, nơi đây đã tiếp nhận trên 30.400 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngoại trú; điều trị nội trú gần 1.700 bệnh nhân. Riêng 3 tháng đầu năm 2017 có trên 5.300 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội, ngoại trú.
Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Bình Tây được đầu tư xây dựng mới vào năm 2015. |
Ông Trần Quốc Viễn, điều hành phòng khám, nêu rõ: “Chúng tôi thực hiện tốt các quy chế chuyên môn như: quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện… không để xảy ra trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà cho người bệnh, tiếp nhận nhanh chóng, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng tại tuyến cơ sở mình phụ trách”.
Sau Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Bình Tây, năm 2016, Trạm Y tế xã Khánh Hải là 1 trong 13 đơn vị được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã sau khi được Dự án AP đầu tư mới toàn bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, máy thở ô-xy… phục vụ cho việc cấp cứu và điều trị bệnh.
Cùng với đó, lãnh đạo Trạm Y tế xã Khánh Hải luân phiên đưa đội ngũ y, bác sĩ đi tập huấn để đáp ứng yêu cầu chuyên môn đặt ra. Cụ thể, có 2 bác sĩ đã được học siêu âm - điện tim, 2 y sĩ học xét nghiệm.
Bác sĩ Lê Quốc Vững, Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Hải, tâm huyết: “Trong công tác quản lý, chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện nhanh chóng các thao tác thanh quyết toán bảo hiểm hay quyết toán kinh phí, về thuốc… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Thêm vào đó, đội ngũ y, bác sĩ rất tâm huyết phục vụ người dân. Cụ thể như, khi có những ca cấp cứu nặng, chúng tôi huy động hết lực lượng, dù người đó mới ra trực nhưng khi cần thiết vẫn được huy động để thực hiện nhiệm vụ, cứu sống bệnh nhân”.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trạm y tế, đặc biệt là 2 PKĐKKV, phải rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh cho người dân. Hằng năm, chúng tôi phối hợp với các ngành liên quan như: Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời, Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đi kiểm tra việc thực hiện các mảng nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hằng năm có kế hoạch đưa đội ngũ y, bác sĩ ở trung tâm y tế huyện, các trạm y tế và 2 PKĐKKV đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.
Vượt qua khó khăn để chăm sóc sức khoẻ Nhân dân
Mặc dù không ngừng đào tạo bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực nhưng hiện nay khó khăn nhất của tuyến y tế cơ sở là đội ngũ y, bác sĩ còn mỏng so với địa bàn quản lý. Bác sĩ Lê Quốc Vững chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại trạm, mà còn phải đi xuống các ấp tuyên truyền cho người dân về phòng, chống các loại dịch bệnh và các chương trình y tế ở cơ sở, trong khi đội ngũ y, bác sĩ của trạm hiện nay còn ít so với nhu cầu công việc. Khó khăn nữa là chế độ bồi dưỡng trực đêm rất thấp, chỉ có 10.000 đồng/người/đêm. Tôi kiến nghị cấp trên bổ sung thêm nguồn nhân lực nhằm đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao”.
Ông Trần Quốc Viễn cho biết thêm: “Đội ngũ nhân viên y tế phụ trách ở các ấp của xã Khánh Bình Tây rất ít, chỉ có 14 nhân viên y tế/12 ấp. Theo quy định, mỗi ấp phải có từ 2 nhân viên y tế phụ trách địa bàn, do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các chương trình y tế tại địa phương, cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế cùng các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền; sự tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị bệnh, Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời và các trạm y tế hay PKĐKKV đã làm tốt vai trò phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Các hoạt động phối hợp này đã đưa các dịch vụ y tế có chất lượng cao vào khám, chữa bệnh miễn phí cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cộng đồng
Kiều Oanh