Nichiden là một trong những doanh nghiệp (DN) gây sự chú ý tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Vietnam Manufacturing Expo 2016 mới đây do Công ty ReedTradex (Thái Lan) tổ chức tại Hà Nội. Ông có thể giới thiệu qua về thế mạnh kinh doanh của Nichiden tại thị trường Việt Nam hiện nay? Ông Trần Quý Lợi: Nichiden là công ty liên doanh thuộc Tập đoàn Nichiden (Nhật Bản) thành lập năm 1935, có hơn 40 chi nhánh và 3 trung tâm logistic tự động lớn khắp Nhật Bản và mạng lưới Văn phòng tại châu Á. Nichiden tại Việt Nam chuyên kinh doanh, tư vấn, chuyển giao dây chuyền, công nghệ, các sản phẩm truyền động, máy công nghiệp và thiết bị tự động hóa. Công ty phân phối sản phẩm của 400 hãng của Nhật tại thị trường Việt Nam, với 6 lĩnh vực chính: Máy, dụng cụ, vật liệu công nghiệp; Thiết bị và các bộ phận điều khiển khí nén, thủy lực; Thiết bị truyền động; Thiết bị tự động hóa; Thiết bị cầm tay và dụng cụ đo; Các hệ thống tự động, hệ thống băng tải, cơ khí chế tạo, buồng tiêu âm, kệ để hàng di động, hệ thống kho tự động… Nichiden hiện có thị phần khá lớn tại Việt Nam, trong đó công ty là nhà cung cấp thường xuyên cho các công ty khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Khách hàng của Nichiden là các công ty sản xuất của Nhật tại Việt Nam, các công ty liên doanh về công nghiệp nặng như: nhà máy xi măng, luyện thép, sản xuất lốp xe, ô tô, xe máy. Công nghiệp nhẹ như: nhà máy chế tạo đồ điện gia dụng, điện thoải, tủ lạnh, linh kiện điện, điện tử, khuôn mẫu và gia công chi tiết, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, đồ uống… Là người hoạt động khá nhiều năm trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ông có nhận định gì về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay và tương lai trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước? Ông Trần Quý Lợi: Việt Nam đang trên đà phát triển, ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam cũng vì thế mà có sự phát triển mạnh mẽ, với tỷ trọng tăng đáng kể 2 năm trở lại đây. Mặt khác, Việt Nam cũng nổi lên là điểm thu hút các nhà đầu tư trên thế giới, đây là lợi thế để ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển, và mở rộng hơn trong tương lai, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, để đạt vị thế cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới, theo tôi DN phải không ngừng học hỏi, trao đổi thông tin, ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam cần phát triển các ngành kỹ thuật sản xuất chính xác và tự động hóa để nâng tầm ngành sản xuất công nghiệp lên cao hơn.
Hiện số DN Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ không ngừng gia tăng về mặt số lượng. Đánh giá của ông về năng lực, thế mạnh cũng như hạn chế của các DN nội địa trong lĩnh này? Ông Trần Quý Lợi: DN phụ trợ Việt Nam đang có bước trở mình ấn tượng, nhiều DN đã biết nắm bắt nhu cầu và có lộ trình làm việc cụ thể. Đáng chú ý hơn là họ nắm được nhiều cơ hội “bắt tay” với các công ty của Nhật để phát triển thị trường. Và thực tế chứng minh những DN có sự hợp tác với DN Nhật Bản phát triển rất tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia Nhật, DN ngành công nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn manh mún, thiếu chiều sâu, định hướng do không có sự hỗ trợ từ phía hiệp hội ngành nghề. Mặt khác, điểm yếu của DN Việt Nam là tài chính. Nguồn vốn kinh doanh, sản xuất hạn chế đã phần nào kìm hãm cơ hội phát triển của DN, chứ chưa nói đến cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực. Vì vậy, để có thể đứng vững trên sân nhà và vươn ra thị trường quốc tế DN nội địa phải đầu tư đầu tư máy móc, tìm hiểu và nắm bắt công nghệ, củng cố nguồn lực tài chính. Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ mà bất kỳ quốc gia, DN nào cũng mong muốn hợp tác. Vậy theo ông, để thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản, DN Việt Nam cần phải có cách tiếp cận như thế nào? Ông Trần Quý Lợi: Đối thủ chính của DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư Nhật Bản hiện nay là các DN Thái Lan, Malaysia, nhưng nền kinh tế Malaysia có phần đi xuống nên không đáng ngại. Thực tế cho thấy các DN Việt Nam đã đánh mất cơ hội đầu tư từ Nhật Bản, bởi DN Nhật đang đầu tư nhiều hơn vào Indonesia. Do vậy, kinh nghiệm để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, theo tôi các DN Việt nên nắm rõ văn hóa Nhật, trong đó có văn hóa kinh doanh của người Nhật. Đồng thời, quan trọng là khi tiếp cận đối tác cần phải có quy trình, nắm thời cơ. Nếu làm làm tốt ngay từ đầu thì rất dễ lấy lòng nhà đầu tư Nhật. Hơn nữa, kinh nghiệm để giữ chân người Nhật lâu dài quan trọng nhất là luôn đề cao trách nhiệm, uy tín trong kinh doanh, vì người Nhật họ đánh giá rất cao yếu tố này. Và khi DN Nhật đã bắt tay với mình thì người Nhật luôn là đối tác tiềm năng, là khách hàng trung thành, đáng tin cậy. Hiện thị trường ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang rất mở, nhiều DN nước ngoài đã hiện diện tại thị trường Việt Nam để đầu tư, khai thác, kinh doanh. Trong bối cảnh này, Nichinden có chiến lược nào để cạnh tranh bền vững tại thị trường? Ông Trần Quý Lợi: Chiến lược cạnh tranh của công ty là hướng vào giải pháp và dịch vụ, hàng hóa đối ứng trong vòng 24 giờ (đối ứng nhanh). Mặt khác, để bắt kịp đà tăng trưởng cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các nhà sản xuất, Nichiden sẽ tiếp tục giữ vững các mối quan hệ bền vững với những nhà cung cấp uy tín, chất lượng, đồng thời kết nối cùng các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp mới. Luôn cập nhật và mang đến thông tin, giải pháp công nghệ mới, tiên tiến cho các nhà sản xuất, đem lại những lợi ích và hiệu quả tối đa trong sản xuất và quản lý sản phẩm. Chúng tôi luôn cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng, chính hãng, các gói dịch vụ tối ưu và tư vấn tận tình nhất. Xin cảm ơn ông! |