(CMO) “Năm 2001, khi đường điện được kéo đến ấp Kinh Giữa thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, bà con nơi này rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng không được bao lâu thì nhiều hộ trong ấp phản ánh, nhiều đoạn trong ấp trụ điện không đến được. Tôi đi hỏi ban quản lý dự án thì được trả lời, do lỗi khảo sát ban đầu không chuẩn, sẽ khắc phục. Vậy mà lời hứa đó đến tận 17 năm vẫn chưa được thực hiện”, ông Trần Văn Hơn, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Giữa, bức xúc.
Gần 2 km và 24 hộ dân sống tại ấp Kinh Giữa hiện đang phải sử dụng điện chia hơi “loạn giá”. Tuỳ theo mức độ gần xa của mỗi nhà mà giá điện tính từ 5.000-7.000 đồng/KWh, có hộ chỉ với 2-3 bóng đèn và cây quạt gió mà phải trả 200.000-300.000 đồng/tháng tiền điện. Đặc biệt, có tuyến từ ấp nối ra đường về thị trấn Sông Đốc, gần 800 m không được lắp trụ điện, các hộ dân trên đoạn này đa phần phải dùng cọc tràm, tre để kéo đường dây “chia hơi”. Dây điện kéo chằng chịt hoặc gác tạm trên những cây trồng ven tuyến lộ, rất nguy hiểm cho người đi đường.
“Mùa mưa đến, ban đêm chúng tôi hạn chế ra đường, vì sợ cây gãy đứt đường dây điện sẽ nguy hiểm. Có những đoạn đường dây điện nằm sát mặt kinh, ao, mái nhà tôn, hằng ngày chúng tôi phải sống trong nơm nớp lo lắng. Trước đây hàng xóm bên cạnh nhà tôi, khi làm vườn vô tình vịn tay vào cây xanh có dây điện gác qua nên bị giật. Từ đó, mỗi khi ra vườn tôi đều tránh xa những cây có gác dây điện”, bà Nguyễn Thị Vui, ấp Kinh Giữa, cho biết.
Ông Trần Văn Hơn, Bí thư ấp Kinh Giữa chỉ những trụ điện tre và tràm do người dân tự làm. |
Mùa mưa lo sợ, nhưng mùa nắng cũng chẳng yên, vì những đường dây điện chia hơi được kéo như ma trận ở đoạn không được cắm trụ bê-tông. Tại hộ của bà Vui, có đoạn dây điện chia hơi, câu đuôi trên mái tôn nhà bà, rất nguy hiểm.
"Nhiều lần tôi nhắc người câu điện, nhưng cậu cứ năn nỉ, rằng cậu làm tiệm sửa xe gần đó, nếu tôi cắt điện thì cậu ấy không làm được. Cậu đã nói vậy, chẳng lẽ tôi cắt đi đường sống của người ta. Chỉ cách nơi có điện vài trăm mét thôi mà chúng tôi phải sống khổ sở như vậy hơn mười mấy năm qua", bà Vui bức xúc.
Nguy hiểm hơn là những hộ gia đình có con nhỏ, nếu không có người lớn trông coi rất dễ xảy ra tai nạn. Em Võ Huỳnh Khang, nhà tại xóm điện chia hơi, cho biết: “Con và các bạn vẫn thường xuyên chơi sau vườn, thấy có dây điện nhưng không bị làm sao”. Do điều kiện ba mẹ phải đi làm cả ngày, nên anh em Khang và một số đứa trẻ trong xóm thường tập trung lại để chơi đùa, đằng sau nhà Khang là một khu vườn với chằng chịt dây điện gác trên cây, rất nguy hiểm.
“Nhiều năm qua, kể từ khi kéo đường điện, năm nào chúng tôi cũng ý kiến với lãnh đạo địa phương, những lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đều có ý kiến, nhưng rồi chỉ nhận được câu trả lời "từ từ sẽ khắc phục". Khi chúng tôi phản ánh với Điện lực Trần Văn Thời thì họ cũng bảo rằng đợi báo cáo lên trên. Cứ vậy 17 năm rồi, bà con ở đoạn này phải sống trong cảnh thiếu điện”, ông Trần Văn Hơn cho biết thêm.
Hiện nay, một số hộ tự đầu tư cột điện bằng bê-tông, nhưng đa phần người dân tại khu vực này phải dùng cột tràm, tre để dẫn đường điện chia hơi, câu đuôi. Trải qua thời gian, nhiều cây đã mục gãy, nhiều lần đường điện bị đứt do trời mưa gió. Mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương nhanh chóng giải quyết vấn đề, giúp 24 hộ dân nơi đây an tâm sinh hoạt, sản xuất với hệ thống điện an toàn./.
Khánh Phương