BPO - Mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân không bao giờ tránh khỏi. Nếu những người trong cuộc đều biết bình tĩnh,ệthuậtứngxửvợchồkq duc 1 tìm cách xử lý thấu đáo thì tình cảm vợ chồng sẽ thêm nồng thắm, con cái được phát triển, gia đình an yên. Khéo léo ứng xử Trong cuộc sống vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn sẽ dẫn đến đụng độ, va chạm. Những người trong cuộc thường thể hiện quan điểm của mình: nói to, nói lớn những xung đột hiện hữu, những chuyện không vui, lúc đó nét mặt cau có, giận dữ, rất khó nhìn… Đây là những hành vi thể hiện ra bên ngoài bộc lộ cá tính, tính cách là điều tất nhiên trong mỗi con người, khó tránh khỏi. Lời nói qua nói lại khi tức giận giữa vợ và chồng rất khó nghe và không còn đẹp về nhau. Nếu con trẻ chứng kiến, trẻ sẽ học những điều bất đắc dĩ; con sẽ không vui, buồn chán, lâu dần ảnh hưởng đến tâm lý. Như vậy thì bao nhiêu công sức dạy dỗ con trước kia đều “đổ sông đổ biển”. Từ đây sẽ hình thành trong con cách ứng xử không được đẹp với người khác. Đó là mối nguy hiểm đối với trẻ. Mặt khác, cuộc sống vợ chồng là phải luôn sẻ chia, đùm bọc và yêu thương. Khi mâu thuẫn xảy ra nếu vì bực tức cá nhân mà nói nặng lời, thái độ, cử chỉ, hành động tiêu cực sẽ làm người bạn đời bị tổn thương, làm phai nhạt tình cảm, gặm nhấm tình yêu, đánh mất gia đình. “Những người trong cuộc cần chú ý: cho dù có bực tức gì đi chăng nữa, nhất thiết phải biết điều tiết bản ngã, luôn giữ hình ảnh đẹp về nhau. Nói cho nhau nghe điều phải, trái. Phải rèn luyện cho được tính kiên nhẫn, biết sống vì người khác, vì chúng ta là một gia đình. Phải khéo léo ứng xử với nhau như “khách”. Thực hiện kinh nghiệm ông bà ta dạy từ ngàn xưa “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Để con nhìn nhận cuộc sống của gia đình hạnh phúc, được sống những ngày, tháng hạnh phúc. Vợ, chồng sẽ càng thấu hiểu nhau hơn, bồi đắp bề dày tình thương và cùng nhau vượt qua mọi sóng gió” - chuyên gia tâm lý, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền chia sẻ. Rèn luyện bản thân Những người trong cuộc cần rèn luyện 3 tính cách trong con người. Đầu tiên là ý chí, đó là sức mạnh để khống chế những cảm xúc không mong muốn. Thứ hai là cảm xúc, phải biết kiềm chế, khi tức giận cảm xúc sẽ bộc phát dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực. Thứ ba là bản năng, bản năng mang tính động vật rất nhiều. Nó bao giờ cũng mang nặng sự chiến thắng để khẳng định bản thân. Như khi cáu thì gương mặt sẽ không được đẹp, mất bình tĩnh. Lúc đó, ta cố gắng dành thời gian soi gương để xem mặt ta thế nào. Đó là phương pháp câu giờ về mặt tâm lý ngay lúc bản năng trỗi dậy. Nghĩ về ta một chút sẽ làm giãn ức chế, cái ức chế được giãn thì sẽ không tiết ra nội tiết tố làm cho căng cơ, sẽ làm cho mặt bớt hung dữ; thì ta đã điều tiết thành công bản năng. Còn trạng thái cảm xúc thường liên quan đến nửa kia của mình. Chúng ta phải chú ý sống bằng tình cảm, phải lấy tình cảm thay cho cảm xúc của mình. Như khi muốn nói cáu với nửa kia của mình, thì cần bình tâm lại; nhớ về những lúc thể hiện cử chỉ, lời nói yêu thương, sẽ làm sống lại tình cảm vợ chồng, cảm xúc tức giận sẽ được kiểm soát. Cuối cùng là phải dùng ý chí. Khi cãi nhau sẽ ảnh hưởng đến con cái, người xung quanh, sức khỏe và tình nghĩa vợ chồng. Phải luôn lấy những chuẩn mực về đạo đức, lối sống đẹp vì mọi người mà vượt qua tất cả. Những lúc có mâu thuẫn, nếu cần trao đổi vợ chồng phải có không gian riêng: cùng nhau ra ghế đá công viên, quán cà phê; hoặc chờ lúc con không ở nhà, hay giờ ngủ. Vợ chồng hãy thể hiện quan điểm cá nhân, nói với nhau cho tận tường ngóc ngách câu chuyện. Trên tinh thần tôn trọng, cảm thông, xây dựng, phải thật sự khéo léo “giữ kẽ” cho nhau, cùng nhau giải quyết mọi việc theo hướng tích cực. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vợ chồng càng phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi nói và hành động. Có như vậy tình nghĩa vợ chồng mới bền lâu. Người bạn đời sẽ đồng lòng, cùng nâng niu bước chân nhau đi đến cuối con đường hạnh phúc. |