Theátnạntronggangtấkqbd aluo thoả thuận này, Síp sẽ phải đóng cửa Ngân hàng Nhân dân Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của Síp, và trao toàn bộ quyền điều hành Laiki cho Ngân hàng Trung ương lớn nhất nước. Hiện Ngân hàng Trung ương Síp đang nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở Síp và gần như toàn bộ lượng tiền gửi của Nga. Nếu tiếp quản thêm Laiki, ngân hàng này sẽ đón thêm cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro theo luật đảm bảo tiền gửi của EU. Thoả thuận trên không chỉ khiến quốc đảo nhỏ bé ở phía Đông Địa Trung Hải mà cả châu Âu và Nga thở phào nhẹ nhõm. Bởi trước đó, rất nhiều câu hỏi và nhiều kịch bản đã được đặt ra cho bài toán: Điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng tại Síp sụp đổ? Theo các nhà phân tích, một khi ngành "xương sống" của toàn bộ nền kinh tế sụp đổ, chính phủ Síp sẽ khó tránh khỏi nguy cơ tan rã và gây ra tác động dây chuyền rất khó lường ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vốn cũng đang chao đảo trong cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài nhiều năm nay. Dưới đây là những hậu quả to lớn có thể xảy ra trong trường hợp xấu nhất là chính phủ Síp sụp đổ. 1. Đối với Síp, hậu quả mà quốc đảo ở phía Đông Địa Trung Hải này phải gánh chịu sẽ rất nặng nề. Theo các nhà phân tích tài chính và kinh tế, nếu không có đạt được thỏa thuận trên, thì điều duy nhất có thể giúp các ngân hàng Síp sống sót là các khoản vay ngắn hạn từ ECB. Bởi hiện tại, quỹ thế chấp của các ngân hàng này không đủ lớn để có thể xin vay bình thường từ các định chế tài chính khác. Về phần mình, các thể chế tài chính cũng không muốn cho các ngân hàng Síp mượn tiền vì lo ngại họ sẽ không có khả năng thanh toán. Trong trường hợp không đạt được thoả thuận, ngành ngân hàng Síp sẽ phá sản và chính phủ cũng sẽ phải "khăn gói theo sau". Thậm chí, quốc đảo này còn phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn không chỉ của nền kinh tế, mà còn của toàn bộ nền tảng xã hội. Trong bối cảnh khu vực Eurozone kiệt quệ, đồng euro khan hiếm, Síp sẽ phải phát hành các loại giấy nợ cho người dân để đáp ứng nhu cầu mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Điều này sẽ khiến lạm phát tăng mạnh, thương mại đình trệ và ngừng hẳn khiến Síp phải rời bỏ Eurozone. 2. Đối với Eurozone, dù nền kinh tế Síp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,2%) trong toàn bộ nền kinh tế khu vực nhưng do lĩnh vực ngân hàng của nước này lại có mối quan hệ mật thiết với Hy Lạp, nên nếu Síp đổ vỡ sẽ gây ra tác động rất tàn khốc đối với cả khu vực. Sự đổ vỡ của Síp sẽ kéo theo sự ra đi của Hy Lạp và một số nước khác cũng đang trong tình cảnh khó khăn như ở Italia hay Tây Ban Nha. Khi đó, không ai có thể đoán được những điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. 3. Đối với Nga, việc Síp đánh thuế các khoản tiền gửi ngân hàng đã khiến Nga vô cùng tức giận. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là hành động "thiếu công bằng, không chuyên nghiệp và nguy hiểm". Hiện các ngân hàng Nga đang cho nhiều công ty có trụ sở tại Síp vay khoảng 40 tỷ USD, chiếm tới 2% Tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Đó là chưa kể tới số tiền 20 tỷ euro (26 tỷ USD) tiền gửi trong các ngân hàng Síp của những người thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội Nga. 4. Đối với thị trường toàn cầu, thị trường này tỏ ra khá lãnh đạm trước tình hình tại Síp, có thể do coi Síp là một quốc gia nhỏ bé. Tuy nhiên, do Síp có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng quốc tế nên nếu hệ thống ngân hàng của nước này sụp đổ, nhiều công ty trên khắp thế giới cũng sẽ chịu tác động theo, tuy mức độ ít nhiều có thể sẽ khác nhau. Như vậy có thể thấy, tác động từ cuộc khủng hoảng tại Síp đối với toàn cầu phần lớn phụ thuộc vào việc khu vực đồng euro bị ảnh hưởng tới đâu. EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu EU vấp ngã nó sẽ kéo theo sự sụp đổ của các nền kinh tế khác. Vì vậy, việc chính phủ và hệ thống ngân hàng Síp may mắn thoát nạn trong gang tấc nhờ sự cứu trợ của bộ ba EU-IMF-ECB đã đem lại tiếng thở phào nhẹ nhõm cho toàn bộ khu vực Eurozone. Vũ Hà |