Phát biểu tại Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 26/9,Đóiti le bd tv tại Hà Nội, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay: Thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ khá nhiều. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính hầu như khá khó khăn. "Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự "chiến đấu", bà Bình nhấn mạnh. Đề cập cụ thể tới vấn đề tiếp cận nguồn, đại diện Công ty TNHH Tâm Hợp cho hay: Doanh nghiệp đã trở thành nhà cung cấp cho Toyota, Thaco, Vinfast... từ nhiều năm. Tuy nhiên, do khó khăn tiếp cận vốn nên dù có đơn hàng, doanh nghiệp vẫn không thể cạnh tranh, không "lớn" được. "Mãi chúng tôi không lớn được vì tài sản của chúng tôi thế chấp hết rồi, không có tiền đầu tư dây chuyền hiện đại. Quanh đi quẩn lại vẫn là tiền", vị đại diện này chia sẻ. Bên cạnh câu chuyện nguồn vốn, tiếp cận ưu đãi về chính sách của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng là câu chuyện nhận được nhiều quan tâm tại tọa đàm. Theo bà Bình, tiếp cận các ưu đãi của Chính phủ là điều không hề đơn giản nên doanh nghiệp không mấy mặn mà. Thực tế để xin được xác nhận ưu đãi chỉ dành cho dự án mới hoặc là sản phẩm ưu tiên, phải đạt tiêu chuẩn EU hoặc những quy định khá ngặt nghèo. Hầu như chỉ các doanh nghiệp FDI mới đáp ứng được. Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) cũng thừa nhận: Số lượng doanh nghiệp trong nước được hưởng ưu đãi khá thấp so với doanh nghiệp FDI. "Để hưởng được ưu đãi doanh nghiệp phải có hồ sơ xác minh. Doanh nghiệp FDI quan tâm chính sách hơn rất nhiều, họ có bộ phận pháp lý và pháp chế cho hoạt động này, chuẩn bị hồ sơ rất đầy đủ. Còn hầu hết doanh nghiệp trong nước thì không có nguồn lực chuẩn bị cho hoạt động này hoặc không biết", bà Thúy nói. Lãnh đạo IDC cũng lưu ý rằng: Trách nhiệm của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) là thông tin đến với doanh nghiệp, song cũng có vấn đề khác là năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam so với FDI vẫn còn khoảng cách nên khi nộp hồ sơ không phù hợp. Nhìn nhận từ góc độ của ngành cơ khí, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đánh giá, hiện nay đã có những bàn thảo các lĩnh vực công nghiệp cần ưu tiên như da giày, điện tử, may mặc, điện tử, cơ khí… Tuy nhiên, để gộp các ngành có một chính sách chung về phát triển công nghiệp hỗ trợ là "không ổn". "Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được", ông Long nói.
|