Dĩ nhiên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, không thể phê chuẩn công ước quốc tế về nước ngọt khi biết rằng nó quy định các quốc gia ở thượng nguồn phải quản lý một cách chừng mực và phải chia sẻ với các nước ở hạ nguồn con sông tài sản thiên nhiên quý giá đó.
Tại Trung Cận Đông, Syria và Iraq đang ngày đêm lo lắng bị Thổ Nhĩ Kỳ cướp đi nguồn nước ngọt quý giá bằng các dự án xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn hai con sông Tigre và Euphrate. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, khúc sông Rio Grande chảy qua Mehico đang có nguy cơ bị đe dọa cạn kiệt. Còn tại châu Phi, việc tranh chấp sử dụng nước của con sông Nil giữa 11 quốc gia đang ngày càng trở thành một vấn đề nóng bỏng.
Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ, sự đối đầu giữa người dân thành thị và nông thôn để tranh giành nguồn nước ngọt cũng ngày một trở nên gay gắt hơn. Theo nhận xét của ông Gérard Payen, cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về vấn đề nước, những xung đột nhằm tranh giành nguồn nước thường xuyên xảy ra ở cấp địa phương nhiều hơn là giữa hai quốc gia sát cạnh nhau.
Từ cuối năm 2010, Liên hợp quốc đã khẳng định đến năm 2015 sẽ có đến 95% dân số trên địa cầu được sử dụng nước ngọt. Nhưng thực tế không hẳn vậy vì theo thẩm định của các chuyên gia, hiện vẫn còn 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. Còn căn cứ vào các số liệu được Diễn đàn Quốc tế về Nước cung cấp vào năm 2012, hiện còn 4 tỷ người trên Trái Đất không có nước ngọt để dùng 24/24 giờ và có tới 3 tỷ người không có máy nước trong nhà.
Tri Phương