Từ lãi suất cao đến "khủng bố" Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh gõ từ khoá “vay tiền”, hàng chục, thậm chí là hàng trăm kết quả xuất hiện chỉ trong một vài giây. Những ứng dụng này đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0%. Tuy nhiên, đây đều là những cái bẫy tinh vi của những đối tượng lừa đảo. Anh Phan Huy Tuấn (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) kể lại, cuối năm ngoái vừa gặp cú lừa cay đắng khi trót vay tiền từ một app trên mạng. Theo anh Tuấn, do khó khăn ảnh hưởng của dịch, hai vợ chồng đều nghỉ làm không có tiền chi tiêu, anh Tuấn thấy trên mạng có một app cho vay tiền với điều kiện cho vay đơn giản, chỉ cần số điện thoại và giấy chứng minh nhân dân là được giải ngân, kèm miễn phí lãi suất. Cài đặt ứng dụng và làm theo hướng dẫn, lập lệnh vay 20 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Chỉ 10 phút sau, tiền đã được chuyển vào tài khoản của anh Tuấn. Tuy nhiên, mới đến ngày thứ 5 đã có người gọi điện, nhắn tin yêu cầu anh Tuấn trả nợ. Cả gốc và lãi là 25 triệu đồng. Anh Tuấn thắc mắc thì đối tượng nói rằng chỉ miễn phí đăng ký, còn phí bảo hiểm và lãi suất thì người vay vẫn phải trả bình thường.
Do chưa có khả năng trả, anh Tuấn xin nợ đến hết tháng. Nhưng anh choáng váng khi hết tháng chủ nợ đã thông báo số tiền của anh đã tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, mỗi ngày anh phải nhận hàng chục cuộc gọi đòi nợ, đe dọa; những người thân của anh cũng bị “khủng bố” điện thoại với hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Tương tự, anh Nguyễn Tiến Thành (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên mạng vay 6 triệu đồng qua một app vay tiền online, cam kết cả gốc và lãi anh phải trả là hơn 7 triệu. Do thấy thủ tục nhanh chóng mà lại đang cần để đóng tiền nhà nên anh đồng ý vay. Gần 1 tuần khi đến hạn trả tiền, bên app liên tục gọi yêu cầu trả với số tiền hơn 10 triệu đồng. Anh Thành ngạc nhiên và được giải thích là do có nhiều khoản phí phát sinh. Sau 5 ngày quá hạn không có đủ tiền trả cả gốc và lãi, anh Thành liên tiếp bị các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau gọi đe dọa. Không còn cách nào khác, anh này đành phải bán chiếc xe máy đang đi để lấy tiền trả nợ. Đây chỉ là một số vụ điển hình, thực tế hoạt động này đã lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với sự phát triển mạnh của công nghệ, đặc biệt là các mạng xã hội, hình thức cho vay qua các app “tín dụng đen” đang tiềm ẩn những hệ luỵ phức tạp. Đối tượng bọn chúng hướng đến cho vay thường là các tiểu thương, công nhân, người có khó khăn tài chính và các đối tượng ăn chơi, lêu lổng, cờ bạc…. cần tiền nhanh, với mức lãi suất “cắt cổ” khiến người vay dễ dàng rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi phải trả thậm chí gấp nhiều lần số tiền gốc. Triệt phá đường dây gần 300 đối tượng Nhằm ngăn chặn, đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, vừa qua Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có cả đối tượng là người nước ngoài. Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu "con nợ" không thanh toán được khoản vay. Người vay phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm. Hoặc nếu người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ, được phân cấp khác nhau, nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của “con nợ” bởi toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà “con nợ" đã cung cấp trước đó đều nằm trong tay đối tượng. Thậm chí, đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận. Để tránh sập bẫy của app "tín dụng đen", luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khuyến cáo, khi vay tiền qua app, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch. Trường hợp nếu đã “lỡ” vay thì cần bình tĩnh và áp dụng hướng xử lý phù hợp như thu thập đầy đủ các bằng chứng liên quan đến hành vi cho vay ‘tín dụng đen” và gửi đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để tố cáo về hành vi cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát, quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay hơn nữa những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ “tín dụng đen”. Đồng thời đề xuất ban hành các chế tài xử phạt đủ sức răn đe, ngăn chặn kinh doanh và hoạt động “tín dụng đen”. |