【kết quả seoul】Doanh nghiệp bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì xả thải ra biển Thừa Thiên Huế
Doanh nghiệp bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì xả thải ra biển Thừa Thiên Huế
(Dân trí) - Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp hoạt động tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) có hành vi xả nước thải có chứa thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường.
Ngày 2/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định xử phạt hành chính đối với đơn vị vận hành Bến số 3, cảng Chân Mây là Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng Huế (gọi tắt Công ty Hào Hưng Huế), trụ sở tại Khu công nghiệp La Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, quản lý, về hành vi xả nước thải ô nhiễm ra môi trường.
Công ty Hào Hưng Huế bị xử phạt tổng số tiền 532 triệu đồng, gồm phạt 380 triệu đồng khi để thông số Coliform (một tiêu chí để đánh giá độ tinh khiết của nước) vượt 48 lần và 152 triệu đồng tăng thêm.
Ngoài ra, Công ty Hào Hưng Huế bị buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2021, Công ty Hào Hưng Huế hoạt động tại Bến số 3, cảng Chân Mây, với các mặt hàng rời quá cảnh qua cảng chủ yếu là than, boxit, dăm gỗ.
Đến năm 2023, Công ty Hào Hưng Huế mới nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ thẩm định. Giấy phép môi trường đang trong quá trình rà soát, chỉnh sửa.
Tháng 10 vừa qua, người dân địa phương liên tục phản ánh hiện tượng nước biển tại thôn Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi doanh nghiệp này hoạt động bị đổi thành màu đỏ.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, lập biên bản vụ việc.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty Hào Hưng Huế có nhiều thiếu sót, vi phạm, như không lập mái che khu vực chứa hàng, khi có gió lớn sẽ cuốn theo các hàng rời là boxit, dăm gỗ, gây bụi cho khu vực cảng vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa; công ty chưa thực hiện việc nạo vét bùn thải định kỳ, chỉ thực hiện ở giai đoạn thi công dự án.
Hiện còn khu vực bãi chứa hàng trên Bến cảng số 3 chưa được gia cố nền móng. Nếu không có giải pháp quản lý, thu gom, các nguyên vật liệu hàng rời như dăm gỗ, boxit rất dễ rơi vãi, cuốn theo nước mưa ra môi trường nước biển ven bờ.
Đặc biệt, qua kết quả lấy mẫu, phân tích, cơ quan chức năng xác định Công ty Hào Hưng Huế đã có hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh này sắp xếp khu vực riêng biệt để tập kết loại hàng rời tại cảng Chân Mây, đảm bảo xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom xử lý nước, tránh nhiễm nước biển tại khu vực.
Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cần giám sát chặt chẽ lượng hàng rời quá cảnh qua cảng Chân Mây, cũng như giải pháp bảo vệ môi trường mà các doanh nghiệp đang thực hiện.