Chiếm 84% cơ cấu kim ngạch xuất khẩu Ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”. Theo Bộ Công Thương, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ những khó khăn về phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng… Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghệ hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Theo ông Phạm Tuấn Anh, dự báo trong năm 2024 phục hồi sản xuất công nghiệp vẫn còn thách thức cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho. Theo đó, để lấy lại đà tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho. Ở góc độ thị trường, đại diện các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã thông tin cập nhật diễn biến thị trường, các chính sách mới tác động đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Đức lưu ý doanh nghiệp về các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép như: các quy định liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn… và đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, Hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA. Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết, các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo luôn là các mặt hàng xuất chủ lực của Việt Nam sang Australia, trong đó riêng tổng 4 loại mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong 6 tháng đầu năm (chưa bao gồm một số mặt hàng sản phẩm khác cùng lĩnh vực có kim ngạch nhỏ hơn như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…). Tại thị trường Australia, sản phẩm chế biến chế tạo Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh…) rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phầm “Made in Vietnam” thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn của Australia như: JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA… Ông Nguyễn Phú Hoà cũng thông tin, nhu cầu thị trường Australia đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo rất lớn. Thống kê năm 2023 Australia nhập khẩu trên 130 tỷ USD các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc trang thiết bị, phương tiện vận tải; đây là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. “Người tiêu dùng người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đáng chú ý là sản phẩm tiêu dùng được đánh giá dựa trên tiêu chí “giá trị của đồng tiền” hơn là tiêu chí về giá. Chính vì vậy, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm”, Thương vụ Việt Nam tại Australia nhấn mạnh. Ngoài ra, để phát triển thị trường, doanh nghiệp cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ… Bởi, việc tham gia hội chợ doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận hàng nghìn đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường… |