游客发表
Cách đây không lâu, trong một lần tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ, tôi gặp anh Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin huyện Trần Văn Thời. Hôm đó, anh làm trưởng đoàn đờn ca tài tử của huyện. Nghe đội hát hay, rinh luôn giải A, tôi mới ngỏ ý tìm hiểu về đờn ca tài tử của huyện. Anh Trung chỉ nói: “Có dịp chiều thứ 6 hằng tuần cứ về Trần Văn Thời, tại công viên sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt của bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.
Đơn giản là đam mê
Phần vì nghe mọi người hát thấy thích, thêm phần tò mò, tôi quyết định làm một chuyến công tác buổi tối xem như giải trí cuối tuần. Người đầu tiên tôi gặp là vợ chồng ông Năm (Trần Văn Năm), ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi. Vì nhà ở xa, cách hơn 10 km nên vợ chồng ông phải tranh thủ đi sớm hơn mọi người. Ông Năm đơn giản với áo sơ mi trắng đóng thùng, còn vợ ông thì mặc bộ bà ba màu đen truyền thống. Giọng hát và tấm lòng của vợ chồng ông đối với đờn ca tài tử có lẽ cũng đơn sơ và hồn hậu như vậy đó.
Câu lạc bộ đờn ca tài tử là nơi gặp gỡ giao lưu, thoả niềm đam mê ca hát của nhiều người. |
Vợ chồng ông đã qua tuổi lục tuần nhưng tinh thần vẫn còn vui tươi và khoẻ mạnh lắm. Hỏi ông có bí quyết gì, vợ chồng nhìn nhau cười rồi nói: “Có bí quyết gì đâu, chỉ nhờ tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử này nè. Đam mê từ nhỏ thấm vào máu thịt, mà được thoả niềm đam mê thì thấy tinh thần mình phấn chấn, thoải mái hơn”.
Ngồi nhẩm tính, vợ chồng ông Năm cũng giật mình, vậy là đã gắn bó với Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Sông Quê được 3 năm rồi. Nhớ về ngày xưa, ông bồi hồi: “Hồi trước ra đồng cũng hát, đi đào đất cũng hát, riết rồi mấy bài hát đều thuộc nằm lòng. Mà cũng ngộ lắm, làm mệt mà hát là khoẻ re à. Giờ còn may mắn hơn là được đứng trên sân khấu hát, có người đàn, người nghe nữa”.
Bà cười: “Ở câu lạc bộ này có mấy chục người, mà thật ra có bao nhiêu người biết hát, biết điệu gì đâu nhưng cũng vô đây ngồi nghe rồi mới tập hát. Vừa hát thoả đam mê, vừa gặp gỡ, chia sẻ những vui buồn trong công việc và cuộc sống, thấy tuổi già mình đơn giản mà êm đẹp làm sao”.
Để tiếng hát vang xa
Nhìn quanh một lượt, từ khán giả cho đến người đàn, người ca cũng khoảng 40 người. Trong số đó, chỉ có vài thanh niên trai tráng, còn lại là người đã có tuổi, lớn nhất đã 70. Đó là cô Thái Thị Vân ở Khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời. Không biết đàn ca, nhưng vì đam mê, cô đã tập hợp những người cùng đam mê thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử ở Khóm 1 (đến nay vẫn sinh hoạt đều đặn vào tối thứ 3 hằng tuần).
Cô Vân bày tỏ: “Mấy anh em trong câu lạc bộ đều mong muốn có một sân chơi bài bản, được học hỏi nhiều kinh nghiệm để duy trì câu lạc bộ tốt hơn. Đồng thời cũng là dịp để lưu giữ đúng giai điệu của bài hát cho thế hệ trẻ sau này”.
Ông Nguyễn Quốc Sĩ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Sông Quê, cũng là người mỗi tối thứ 6 hằng tuần đánh đờn cho mọi người cất cao tiếng hát, chia sẻ: “Anh em trong câu lạc bộ hoạt động chủ yếu vì đam mê. Đa số là nông dân chân lấm tay bùn, ít ai có điều kiện đi nhiều nơi để giao lưu, học hỏi các điệu hát. Ở địa phương cũng không có điều kiện tổ chức lớp tập huấn cho anh em, người biết chút đỉnh thì dạy cho người chưa biết. Để tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho những người yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử, các ngành chức năng và chuyên môn cần quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa để loại hình này phát triển”.
Mỗi người một mong muốn, nhưng chung lại họ vẫn mong nghệ thuật truyền thống của dân tộc, của quê hương sẽ mãi được giữ gìn và phát triển.
Dưới khoảng sân nhỏ, những ánh mắt hướng về sân khấu, tiếng đờn, giọng hát mộc mạc vang lên. Nét đẹp truyền thống của quê hương, của dân tộc vẫn được những con người hồn hậu, chân chất gìn giữ từng ngày và trong tiềm thức, họ luôn tự hào rằng, quê hương mình vẫn đẹp qua tiếng hát, lời ca./.
Kim Chi
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接