Thưa ông trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, phương án tổ chức khai giảng nào nên được ưu tiên để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên? - Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt và Lễ Khai giảng năm học 2020- 2021 cũng sẽ rất đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang đối phó với dịch bệnh Covid-19. Do vậy, tùy tình hình, các trường có thể tổ chức lễ khai giảng chung, vẫn có chương trình văn nghệ, đánh trống khai trường. Tuy nhiên, thay vì tập trung đông học sinh trên sân trường, các trường bố trí để các em dự ở vị trí khác nhau, trước các lớp học, đảm bảo vị trí giãn cách giữa mỗi học sinh. Một phương án khác cũng đặt ra là các trường có thể tổ chức khai giảng trực tuyến. Thay vì đến trường dự lễ khai giảng, học sinh có thể theo dõi qua màn hình. Các trường vẫn có thể thực hiện các nội dung cần thiết, phát biểu ngắn gọn của hiệu trưởng. Dù tổ chức theo phương án nào miễn sao học sinh cảm thấy có ý nghĩa của ngày khởi đầu năm học mới. Năm nay thay vì học sinh tựu trường vào tháng 8, Bộ GD&ĐT đã lùi thời điểm tựu trường sang đầu tháng 9, điều này có tiếp tục thực hiện trong các năm học tới không, thưa ông? - Việc lùi thời điểm tựu trường trùng với dịp khai giảng năm học mới không gây xáo trộn kế hoạch thời gian năm học. Điều chỉnh này không phải chỉ áp dụng cho năm học 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà sẽ thực hiện lâu dài trong các năm học sau. Song song đó, từ năm học tới Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường trung học đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung chương trình theo các chủ đề dạy học, áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học theo hướng tăng thực hành, trải nghiệm, mở rộng các hoạt động bên ngoài không gian lớp học. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng đa dạng hơn, không nhất thiết chỉ có một hình thức làm bài kiểm tra trên giấy. Đây cũng là một hướng đi có thể giúp các nhà trường tiết kiệm được thời gian, dành thêm quỹ thời gian cho học sinh tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng lực, phẩm chất. Vậy sau khi khai trường, học sinh cả nước sẽ bước vào một năm học mới, Bộ GD&ĐT hướng dẫn gì với các trường trong việc đảm bảo môi trường an toàn, phòng chống dịch bệnh? - Các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong trường sẽ thực hiện như thời điểm bắt đầu học kỳ II của năm học vừa qua, bám sát những khuyến cáo của cơ quan y tế. Cụ thể, trước thời điểm tựu trường, các trường rà soát kỹ những trường hợp giáo viên, học sinh, gia đình học sinh trở về từ vùng dịch, trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm dịch, người ở trong khu vực được yêu cầu giãn cách xã hội để có biện pháp cách ly. Các trường phải khử khuẩn trước khi học sinh tựu trường và áp dụng việc khử khuẩn trường, lớp, dụng cụ dạy học, thực hành thí nghiệm vào cuối mỗi tuần, chuẩn bị đủ nước sạch, nước rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, không dùng chung dụng cụ ăn uống. Đặc biệt tránh tập trung đông, đảm bảo giãn cách khi học sinh đến trường và sau buổi học. Ở những nơi có nguy cơ cao, tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường. Trong thời gian dịch bệnh chưa kiểm soát được, các trường tạm không thực hiện các hoạt động tập trung đông học sinh... Các địa phương chưa thể cho học sinh trở lại trường sẽ phải tiếp tục thực hiện các hình thức dạy học từ xa như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, các hình thức giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo tinh thần không đến trường nhưng không ngừng việc học. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, học sinh trở lại trường an toàn, các nhà trường có kế hoạch để ôn tập, bù đắp kiến thức thiếu hụt trong thời gian dạy học từ xa cho học sinh. Xin cảm ơn ông! |