【bd mexico】Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
(CMO) Khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, người thành thị lẫn nông thôn không còn xa lạ với môi trường mạng internet thông qua những chiếc điện thoại cảm ứng. Trong số người sử dụng internet, giới trẻ chiếm số lượng khá cao trong khi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Hiện nay, phần lớn hộ gia đình, cá nhân đều sử dụng internet, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại di động thông minh là có thể dễ dàng truy cập mạng. Trên mạng xã hội hầu như thông tin gì cũng có, từ trong nước đến quốc tế, thông tin tốt nhiều mà xấu cũng không ít. Chính vì vậy, mạng xã hội là "con dao hai lưỡi", tuỳ thuộc rất nhiều vào người sử dụng.
Nên trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn cho trẻ trên môi trường mạng. |
Đa phần người sử dụng mạng internet hiện nay là giới trẻ, cho nên việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách, bởi bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng thì mặt trái của nó là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro: dễ bị lôi kéo, kích động; bị xâm hại hay bị lừa đảo qua các trò chơi trên mạng; bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh đến nhân cách và tinh thần của trẻ em.
Trước tình hình trên, để có thể bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và các cơ quan quản lý Nhà nước là không thể thiếu, trong đó vai trò của gia đình được đặt lên hàng đầu.
Cuộc sống luôn hối hả, tất bật, các bậc phụ huynh thì bận rộn với công việc nên thường cho trẻ nhỏ chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để có thể vô tư ngồi chơi, không quấy phá người lớn. Trẻ em rất thông minh trong việc khám phá những điều mới mẻ nên rất dễ dàng trong việc sử dụng.
Khi lớn lên một chút, các em có thể tự truy cập vào những gì mình thích. Có một số em lên mạng để tìm kiếm thông tin, học hỏi, mở mang kiến thức giúp một phần cho việc học tập. Tuy nhiên, có một số trường hợp do không được giáo dục kỹ năng khi lên mạng xã hội, một số trẻ cứ suốt ngày ôm khư khư điện thoại, sống trong thế giới ảo, nghiện facebook, nghiện game online. Vì nghiện game mà vệc học hành sa sút, học những thói hư tật xấu trên mạng, xúc phạm nhau trên mạng rồi gây thương tích, nặng hơn nữa là gây án mạng ở ngoài đời thật...
Trước tình hình trên, các bậc phụ huynh cần phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng để trẻ có thể tự bảo vệ mình.
Chị Đỗ Kim Nhẫn, phường Tân Thành, TP Cà Mau, chia sẻ: "Gia đình tôi luôn dạy con những kiến thức cần thiết để các con có thể tự bảo vệ mình, nhận diện được điều xấu, điều tốt để học tập hay tránh xa. Thêm vào đó, gia đình tôi luôn định hướng cho con mình những trang web bổ ích có thể vào xem và học tập, giới thiệu cho trẻ những trò chơi lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, người thân phải thường xuyên kiểm tra, giám sát trẻ trong thời gian lên mạng”.
Cùng quan điểm gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ trong môi trường mạng, chị Nguyễn Thị Yến, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, bộc bạch: “Tôi chủ động đồng hành cùng các con trong môi trường mạng. Tôi cũng tạo tài khoản facebook, zalo rồi kết bạn với con như một người bạn bình thường để xem chúng tham gia vào thế giới ảo đó như thế nào, hiểu thêm tâm tư nguyện vọng của con để có thể chia sẻ, định hướng cho con. Vợ chồng tôi luôn thường xuyên nhắc nhở con mình, trang bị cho con những những kỹ năng cần thiết để con có thể tự bảo vệ mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng”.
Bên cạnh bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, việc bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ trên môi trường mạng cũng là việc làm rất cần thiết. Để bảo đảm điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em trên môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ để mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ.
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội là việc làm không thể thiếu đối với việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Tích cực tuyên truyền để mọi người nhận thức được nguy cơ và thực trạng tình hình trẻ em bị xâm hại trên mạng xã hội; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bị xâm hại trên mạng cho bản thân trẻ em, cho các thành viên gia đình và cho những người làm việc liên quan đến trẻ em. Hiện nay, Nhà Thiếu nhỉ tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ của trẻ em, câu lạc bộ phóng viên nhỏ... để trẻ em biết và tự bảo vệ mình, tham gia bảo vệ bạn mình trên mạng. Đó là việc làm hết sức thiết thực.
Nhà trường, phụ huynh và các đoàn thể cần phải phát huy hiệu quả vai trò định hướng các em trong việc sử dụng internet. Chỉ nên sử dụng mạng xã hội để phục vụ việc học tập, tích luỹ kiến thức, học những điều bổ ích cho tương lai. Mỗi người dân cần phải chung tay góp sức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đẩy lùi tình trạng xâm lại trẻ em./.
Trần Thảo Nguyên