Bệnh nhân nghèo "lay lắt" trong bão giá
Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 nằm sâu hun hút trong ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị,ãogiábópnghẹtbệnhnhânnghèoởxómchạythậlịch bóng đá cúp châu âu quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chỉ đủ kê một chiếc giường con, một lối đi lại và vài ba đồ dùng cũ, mẹ con chị Lê Thị Khuyến (Phú Xuyên, Hà Nội) nằm lọt thỏm trên giường. 48 tuổi, chị có 11 năm bám trụ ở xóm chạy thận.
16h chiều, lẽ ra mọi ngày chị đang lang thang bán trà đá trong bệnh viện Bạch Mai nhưng nay mới đi chạy thận về, tụt huyết áp, chị Khuyến nghỉ ở nhà với con.
"Hôm nào khỏe, tôi cố gắng bán nước "chui" gần bệnh viện, kiếm đồng ra đồng vào. Chồng không còn, tiền chạy thận, tiền trọ, tiền điện nước, tiền thuốc men nếu không đi làm đều thì chẳng biết bấu víu vào đâu.
Ốm lâu quá, mọi người cũng chán, mà mình cũng không thể nhờ mọi người mãi được, hai mẹ con nương tựa nhau là chính", chị Khuyến kể.
Những người bệnh đang phải sống qua ngày nhờ máy chạy thận như chị Khuyến những ngày này cũng không nằm ngoài vòng quay của bão giá. Túi tiền eo hẹp không chỉ dành cho việc ăn uống mà còn đủ các khoản chi tiêu, lại phải đương đầu với việc tăng giá thuốc.
"Mọi người chạy thận ở đây có phải mỗi bệnh thận đâu, ai cũng có thêm bệnh khác, đơn giản như mua thêm thuốc huyết áp thì tháng cũng gần 3 triệu đồng. Đi chợ thì cái gì cũng tăng giá, mua gì cũng phải cân đo đong đếm, cần lắm mới bấm bụng chi. Thuốc bỏ là chết nên đành giảm tiền ăn", chị phân trần.
Chị Nguyễn Thị Oanh (34 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) nấu bữa chiều với mớ rau muống chia nhỏ thành hai bữa, còn món chính chị ngại không chia sẻ.
Thời gian gần đây giá cả gì cũng tăng, người khỏe có lương hưu còn thấy đau đầu lúc chi tiêu nói gì những người trong xóm chạy thận. Chị Oanh và nhiều người khác, bản thân vốn đã không đủ sức khỏe để kiếm tiền nay tiếp tục phải "gồng mình" chống chọi với "bão" giá.
Có thâm niên chạy thận 18 năm, cũng từng ấy thời gian ở trọ tại xóm nghèo, cánh tay chị Oanh nổi những u cục lớn sau quá trình lọc máu chạy thận. Ngoài ra, khắp người chị nhằng nhịt những dấu vết của bệnh tật.
"Cái khó nhất với những người chạy thận như chúng tôi là sức khỏe không cho phép mỗi người làm lụng, kiếm tiền. Trước đây, ngoài thời gian chạy thận tôi vẫn tranh thủ bán nước trong bệnh viện kiếm đồng ra vào, trang trải cuộc sống.
Vài năm nay, sau nhiều năm chạy thận, sức khỏe kém nhiều, không làm được gì, tôi ở cảnh ăn bữa nay lại lo bữa mai. Từ đợt dịch Covid-19 đến giờ không kiếm được tiền, tôi bệnh tật, tay đau, muốn đi làm cũng chẳng ai mượn", chị Oanh than.
Chi tiêu tằn tiện mà mỗi tháng vợ chồng chị Oanh vẫn tốn 4-5 triệu đồng (tiền nhà, điện nước, thực phẩm, thuốc...). Chị thở dài: "Gần đây cái gì cũng tăng giá, mớ rau muống đã lên 7.000 đồng, có nơi bán 10.000 đồng, tăng 2-3 lần so với trước kia. Chai dầu ăn gần 60.000 đồng, bình gas mới đổi cũng 400.000 đồng. Mà đó là người bán đều biết chúng tôi bệnh nhân chạy thận khó khăn nên chỉ lấy "lãi tình cảm".
Tiền nhà, điện, nước, thuốc điều trị... là những khoản không thể cắt giảm hơn nữa, chị Oanh đành giảm tiền ăn để cân đối chi tiêu. Những hôm chạy thận về mệt lả không thiết ăn uống, hai ngày chạy một lần, cứ sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, chị Oanh coi như tiết kiệm được 1 bữa.
Cái khổ đeo bám đến cuối đời...
Cũng tâm trạng như chị Oanh, bà Phan Thị Tảo (65 tuổi, quê Khoái Châu, Hưng Yên), đã có 16 năm ở xóm chạy thận, đều đặn mỗi tuần 3 ngày đến viện. Sau những giờ chạy thận bà Tảo lảo đảo về phòng trọ vì mệt, tụt huyết áp.
"Những người như chúng tôi ngày nào mở mắt ra cũng là phép tính tiền thuốc men, nhà trọ, ăn uống… Giờ giá cả "găng" quá, rau cách đây không lâu có 5.000 đồng/bó thì nay lên 7-8.000, có lúc 10.000 đồng, chưa nói đến thịt, cá. Mua mớ rau tôi cũng phải tiết kiệm, chia nhỏ ăn 2 - 3 bữa", bà Tảo nói.
Nhà cao cửa rộng ở quê nhưng 16 năm nay bà Tảo phải thuê trọ gần bệnh viện Bạch Mai để chữa bệnh. Những gia đình có người bệnh như bà đều khó khăn bởi bao tài sản đều dốc vào điều trị cho đến phút cuối đời.
"Gạo được các đoàn từ thiện cho, thi thoảng được tặng thêm mắm, muối, mì chính, dầu ăn... nên cũng tiết kiệm được phần nào. Gần đây, giá cả ngày một tăng, tiêu tiết kiệm thì mỗi tháng cũng mất 6 - 7 triệu đồng, riêng tiền thuốc đã hơn 2 triệu, tiền nhà 1 triệu/tháng. Nhiều lúc túng thiếu quá, tôi buộc phải cắt giảm liều thuốc, bác sĩ kê ngày 2 viên thì chỉ uống 1 viên thôi", bà Tảo cười méo xệch.
Ở kế bên phòng bà Tảo, bà Bùi Thị Yên (73 tuổi, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có bữa tối "tươi" hơn chút với 2 lạng thịt mua từ sáng, giá 24.000 đồng và 1 mớ hoa bí ăn dè cả ngày. Còn những bệnh nhân khác trong xóm thì bữa cơm có lạc, cà muối... cũng là ổn.
Gần giờ cơm chiều, bệnh nhân trong xóm trọ lọ mọ nấu ăn trong những căn phòng chật hẹp, tối om để tiết kiệm điện. Tháng cao điểm mùa hè, nhiều nhất họ chỉ dùng 60 - 70 số điện. Chiếc điều hòa cũ chỉ dám bật trong ít ngày nắng nóng kỷ lục.
"Tôi hơn những người ở đây là có 3 triệu lương hưu mỗi tháng, nhưng mắc bệnh này thì số tiền đó cũng không thấm vào đâu. Trước ông nhà tôi khỏe còn thi thoảng lên chăm vợ nhưng vài năm nay sức khỏe yếu, hay ốm đau nên tôi ở một mình.
Lúc ốm các con cũng gom góp, chi chút cho mẹ nhưng tôi cũng chỉ dám nhận phần nào. Mình bệnh bao nhiêu năm, đâu thể lấy của các con mãi, chỉ mong cứ khỏe, chi tiêu tiết kiệm để không trở thành gánh nặng cho con cái, gia đình", bà Yên tâm tư.
Theo Dân Trí