Tuy nhiên, trong năm 2013, ngành hàng xa xỉ tại các thị trường này lại đối mặt với nhiều khó khăn khi nền kinh tế trải qua nhiều bến động và dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tuyên bố cắt giảm chương trình kích thích kinh tế. Điều này đã dẫn đến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của nhiều hãng hàng xa xỉ. Xu hướng này bắt đầu nổi lên từ đầu năm. Trong tuần trước, cổ phiếu của tập đoàn thời trang cao cấp Mulberry sụt giảm 26% sau khi tập đoàn này đưa ra lời cảnh báo về việc suy giảm lợi nhuận một phần do tiêu dùng giảm mạnh ở Hàn Quốc. Tập đoàn LVMH sở hữu các thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton và Hennessey cũng thừa nhận rằng nhu cầu ở Trung Quốc đang giảm dần, đặc biệt là các sản phẩm rượu cao cấp. Mặc dù lợi nhuận của ngành hàng cao cấp hiện tại đang ở trong xu thế trái chiều, Allerga Perry giám đốc nghiên cứu về lĩnh vực này của Cantor Fitzgerald cho rằng trong dài hạn, tương lai phát triển của ngành hàng này rất tươi sáng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và việc Chính phủ nước này mạnh tay với việc biếu tặng những tặng phẩm xa xỉ đang gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, bà Perry cho biết. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu của Mulberry đã suy giảm 44,91% trong khi LVMH giảm 11,78%. Các hãng hàng cao cấp khác ở các thị trường mới nổi cũng không tránh khỏi đà suy giảm. Cổ phiếu của nhà sản xuất hàng cao cấp Hermès cũng giảm 5,24% trong năm và của nhà sản xuất đồ uống cao cấp Remy Cointreau giảm tới 41% trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, bà Perry nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cần phân biệt thị trường Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn và mua các sản phẩm cao cấp nhiều hơn với lợi thế về tỷ giá đồng USD. Erwan Rambourg, giám đốc nghiên cứu người tiêu dùng và bán lẻ của HSBC đưa ra dự báo rằng triển vọng của thị trường sản phẩm xa xỉ trong năm 2014 sẽ cải thiện hơn so với năm 2013 với tăng trưởng 9%, cao hơn mức 8% của năm 2013./. Mai Linh (Theo CNBC) |