Nhờ thực hiện nhiều giải pháp tích cực,ảmnghohiệuquảty so ngoai hang anh hom nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Ngã Bảy giảm qua từng năm, đời sống người dân được nâng lên...
Nhờ tham gia mô hình “Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững”, bà Du (trái) đã có được việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Đối thoại để hiểu dân hơn
Với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, để từ đó có giải pháp hỗ trợ, giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, thị xã Ngã Bảy đã thực hiện tốt công tác đối thoại với hộ nghèo. Bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, cho biết: “Việc gặp gỡ, đối thoại với hộ nghèo sẽ tạo điều kiện để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà mình quan tâm với ngành chức năng. Qua đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể, giúp hộ nghèo gia tăng thu nhập, từng bước tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng đời sống”.
Từ đầu năm đến nay, thị xã Ngã Bảy đã tổ chức 6 cuộc đối thoại với hộ nghèo, với 300 lượt người tham dự. Tại các buổi đối thoại, những băn khoăn, trăn trở, nguyện vọng của người dân đã được giải đáp một cách thấu đáo. Ông Trần Thanh Sơn, cán bộ giảm nghèo xã Hiệp Lợi, chia sẻ: “Những buổi đối thoại như thế này rất có ý nghĩa, giúp hộ nghèo hiểu rõ hơn các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo. Ngoài ra, mọi người đã được ngành chức năng giới thiệu một số mô hình làm ăn hiệu quả, để áp dụng vào điều kiện thực tế, góp phần vươn lên ổn định cuộc sống”.
Thông qua những buổi đối thoại đã giúp lãnh đạo thị xã đánh giá đúng thực chất đời sống và nguyện vọng của người nghèo. Đồng thời, hộ nghèo thấy được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đời sống của mình. Từ đó, cố gắng phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Theo bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, đối thoại với hộ nghèo là một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả các chính sách trong việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Song song đó, thời gian qua, địa phương còn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, để nâng cao đời sống hộ nghèo về vật chất lẫn tinh thần.
Giải quyết việc làm,tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững
Bên hiên nhà, bà Nguyễn Thị Du, ở khu vực 7, phường Hiệp Thành, ngồi đan ghế cùng một vài chị em ở xóm. Bà Du cho biết: “Nhờ có nghề này, chị em phụ nữ có thêm công việc để làm lúc nhàn rỗi. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng công việc có quanh năm, nhờ đó, chúng tôi cũng có thêm khoản thu nhập, góp phần trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”.
Do bị bệnh tiểu đường, viêm đại tràng, nên mấy năm nay bà Du không thể lao động nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước và giữ hai đứa cháu nội. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình bà cũng lắm khó khăn, không có ruộng vườn, mọi thu nhập đều phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn của chồng và con bà. Tuy nhiên, công việc chốn miền quê không thường xuyên, cuộc sống vì thế cứ thiếu hụt. Rồi khi địa phương mở lớp dạy nghề đan dây nhựa và thông báo sản phẩm sau khi học nghề được phía đơn vị giảng dạy bao tiêu bà đã đăng ký học. “Mỗi ngày, tôi cùng với con gái cũng đan được 4 cái ghế, tính ra cũng được 160.000 đồng. Lúc trước, tôi chỉ ở nhà giữ cháu nội, có làm gì ra tiền đâu”, bà Du bộc bạch.
Hiện nay, bà Du cùng 20 chị em phụ nữ ở xóm tham gia Tổ đan đát ở khu vực 7, phường Hiệp Thành. Đây là một trong 5 tổ đan đát thuộc mô hình “Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững” được thị xã Ngã Bảy ra mắt trong năm 2017. Mô hình được thành lập nhằm giúp người dân có được việc làm và đầu ra sản phẩm ổn định. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tham gia mô hình giảm nghèo, người dân được doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm, mọi người chỉ ra công thực hiện, không cần phải tốn chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, cho biết: “Chúng tôi vừa dạy nghề đan dây nhựa, đan lục bình và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Cách 3-4 ngày chúng tôi xuất sản phẩm đến các công ty ở tỉnh Đồng Nai, hàng hóa được thị trường tiêu thụ quanh năm, đầu ra ổn định. Nếu mọi người chịu khó cũng có thể kiếm được 2-3 triệu đồng/tháng”.
Bên cạnh mô hình giảm nghèo, địa phương còn thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho người dân. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm qua từng năm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Thời gian tới, thị xã Ngã Bảy tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách dành cho hộ nghèo, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững!
Đầu năm 2017, thị xã Ngã Bảy có 715 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,62%; 525 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4%. Năm nay, thị xã phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo sơ bộ, địa phương đã giảm được 1,04% hộ nghèo. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU