游客发表
发帖时间:2025-01-25 19:41:49
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: TL |
Chính sách tài chính "dựa vào dân và lấy dân làm gốc"
TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, ngành Tài chính tự hào vì thành lập đúng vào ngày ra đời của Chính phủ cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ ngày đầu thành lập cho đến bây giờ, các chính sách tài chính đều luôn hướng đến người dân, vì dân, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dựa vào dân và lấy dân làm gốc”. Cảm nghĩ của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đi cùng năm tháng, ngành Tài chính Việt Nam có từ khi thành lập Đảng đến nay. Ngành Tài chính Việt Nam chính thức thành lập từ khi đất nước giành được độc lập năm 1945, những dấu mốc phát triển của ngành Tài chính luôn gắn với sự lớn mạnh của đất nước. Năm 2023 là năm đánh dấu mốc son 78 năm hình thành và phát triển của ngành Tài chính. Trải qua 78 năm hình thành và phát triển, ngành Tài chính Việt Nam luôn vững bước qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và đã có những bước đột phá mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia.
Ngành Tài chính của những ngày đầu gian khó chúng ta đã nhắc đến nhiều. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó: “Muốn chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập - tự do thật sự cho đất nước phải xây dựng nền Tài chính nước ta dồi dào, trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển sản xuất với phương châm dựa vào dân, lấy dân làm gốc”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày nay vẫn còn mang ý nghĩa thời đại. Đến nay, mọi chính sách tài chính vẫn hướng về người dân, doanh nghiệp, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
Ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã lựa chọn chính sách tài chính dựa vào dân. Minh chứng rõ nhất đó là thành công của “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập” đã giúp cho ngân khố quốc gia huy động được 370 kg vàng và trên 20 triệu đồng Đông Dương, phần nào đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu cấp bách của đất nước trong những ngày đầu giành độc lập.
Một chính sách tài chính vì dân được thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập của ngành Tài chính non trẻ. Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm đã có những quyết sách “hợp lòng dân” khi đó, với hàng loạt chính sách thuế mới thể hiện sự ưu việt của chính quyền cách mạng, đó là miễn giảm toàn bộ thuế cho dân vùng lũ, đề xuất bãi bỏ thuế thân.
Dù ở giai đoạn nào, chính sách thu cũng được điều hành thận trọng, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thông qua các chính sách ưu đãi, giãn, giảm thuế. Trong giai đoạn vửa qua, do doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều có quy mô nhỏ, tiếp cận vốn khó khăn, nên chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã giảm sâu, nhanh hơn lộ trình và thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát, đề nghị cắt giảm, bãi bỏ nhiều khoản phí, lệ phí nhằm giảm bớt đóng góp cho doanh nghiệp và người dân. Nhất là trong 3 năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được thực hiện liên tục, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Tổng gói hỗ trợ lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, là một nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính trong bối cảnh thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng do tăng trưởng không đạt dự kiến và thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội gói phục hồi kinh tế sau đại dịch quy mô lên đến 347 nghìn tỷ đồng, tập trung cho y tế, giáo dục, chuyển đổi số, giao thông.
Tôi muốn nhắc lại để thấy rằng, ngành Tài chính luôn kiên định thực hiện chính sách tài khóa vì dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể từ thời điểm bảo vệ, kiến thiết xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới cũng như thời điểm hiện nay. Chính sách tài chính luôn thể hiện trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, đồng thời theo sát thực tiễn, linh động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
TBTCVN:Đồng hành cùng doanh nghiệp không chỉ bằng thực thi các chính sách hỗ trợ, mà ngành Tài chính đã "ghi điểm" bởi liên tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này đã được thể hiện như thế nào trong công tác điều hành của Bộ Tài chính, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những năm qua, Bộ Tài chính luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN).
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đồng thời cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong “ngày một ngày hai” mà đã được Bộ Tài chính thực hiện liên tục qua nhiều năm, mỗi giai đoạn có những ưu tiên khác nhau. Từ năm 2000 trở lại đây, Bộ Tài chính đã mở rộng cải cách và hiện đại hóa, nhằm bao quát toàn diện các lĩnh vực quản lý tài chính công, hướng đến xây dựng Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ, đáp ứng yêu cầu trong quản lý tài chính và điều hành của Chính phủ, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của nền tài chính công Việt Nam.
Đặc biệt những năm gần đây, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu các bộ, ngành trong ứng dụng CNTT và cải cách thủ tục hành chính, không ngừng nghỉ nỗ lực cải cách đáp ứng yêu cầu phát triển. Rõ nét nhất là những thành công trong ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh.
Triển khai Cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Đồng thời, triển khai Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu...
Đáng chú ý như việc áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thực hiện trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai... Mục tiêu nhằm hướng tới xây dựng hệ sinh thái số, đổi mới công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Bộ Tài chính tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tiếp tục thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một nền tài chính vững mạnh góp phần khơi thông nguồn lực, mở đường cho đất nước phát triển. Ảnh: TL |
TBTCVN: Mỗi năm vào những ngày này, ngành Tài chính ôn lại truyền thống vẻ vang để vững tâm bước tiếp với khát khao cổng hiến. Bộ trưởng có thể chia sẻ những ưu tiên điều hành chính sách tài chính, thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của ngành Tài chính Việt Nam thời gian tới?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Suốt 78 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Tài chính luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy những thành tựu đã đạt được, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2023 và các năm tiếp theo, viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, vì một nền tài chính quốc gia vững mạnh.
Bước vào nhiệm kỳ mới (2021 - 2026) với mục tiêu: Huy động, phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội đáp ứng mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững..., ngành Tài chính Việt Nam đã tạo không ít dấu son. Những đóng góp của ngành đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, vượt qua thách thức. Đầu tiên là đảm bảo chính sách tài khóa, cân đối thu chi, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách. Tiếp đó là nỗ lực quản lý điều hành ngân sách và nguồn lực quốc gia hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiên định thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính bảo đảm an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhận thức chính sách tài chính luôn phải đi trước, cấp bách, kịp thời, dẫn đường cho các chính sách vĩ mô khác, ngành Tài chính đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành một khối lượng rất lớn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tạo khung khổ pháp lý cho tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển. Điều này giúp khơi thông nguồn lực toàn xã hội - huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu ưu tiên của ngành Tài chính trong thời gian tới.
TBTCVN: Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng gửi thông điệp gì đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, thưa Bộ trưởng?
Tất cả những nỗ lực của cán bộ, công chức, người lao động ngành Tài chính đều nhằm xây dựng một nền tài chính phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp quan trọng và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:Ngành Tài chính có bề dày truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển. Truyền thống quý báu được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ. Toàn ngành Tài chính luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, Bộ Tài chính đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nước ta, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực tham mưu trình các cấp có thẩm quyền chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chính sách tài khóa những năm qua chính là điểm tựa, bệ đỡ để thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách tài chính; điều hành linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khóa, phát triển thị trường tài chính; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp...
Đất nước ta đang đứng trước một thời kỳ quan trọng, một giai đoạn phát triển mới như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Nhiệm vụ của ngành Tài chính và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Tôi mong muốn và tin tưởng, toàn thế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, đoàn kết, đồng lòng, không ngừng học tập, rèn luyện, đối mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Tôi tin tưởng thời gian tới, toàn ngành Tài chính sẽ quyết tâm vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Với tình cảm thân thiết, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
TBTCVN:Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Ngành Tài chính luôn kiên định thực hiện chính sách tài khóa vì dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể từ thời điểm bảo vệ, kiến thiết xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới cũng như thời điểm hiện nay. Chính sách tài chính luôn thể hiện trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, đồng thời theo sát thực tiễn, linh động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接