Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI),c Libang xep hang bd ông Ali Akbar Salehi. (Nguồn: spiegel.de)
Tuyên bố của ông Salehi nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng châu Âu thực thi những cam kết của họ trước khi quá muộn.”
Quan chức Iran đã nhắc tới cơ chế được mang tên “Phương tiện vì mục đích đặc biệt” (SPV) mà các nước châu Âu đang tính tới để duy trì hợp tác thương mại với Tehran bất chấp những đe dọa từ Washington đối với việc hợp tác làm ăn với quốc gia Trung Đông này.
Ông Salehi đã “bóng gió” về những diễn biến sắp tới, “nếu người châu Âu không thể thực hiện được những cam kết của họ.”
Theo quan chức Iran, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái, Iran đã duy trì việc thực hiện những nghĩa vụ của mình đối với thỏa thuận.
Tuy nhiên, phía châu Âu tỏ ra chậm chễ trong trong việc thực hiện những “lời hứa” của họ trong việc xúc tiến triển khai SPV.
Iran đã từng cảnh báo họ có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu các cường quốc EU không thể bảo vệ được các lợi ích thương mại và tài chính cho Tehran.
Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn với Tehran cũng như duy trì trao đổi thương mại giữa hai bên, EU và Iran đã vạch ra một cơ chế thuận lợi cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
SPV được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế mà Iran nhận được để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình theo thỏa thuận được ký với các cường quốc vào năm 2015.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini hồi tháng trước cũng đã bày tỏ hy vọng SPV sẽ sớm được triển khai, tức là trước khi kết thúc năm 2018, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quan hệ kinh doanh hợp pháp với Iran.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến nay, “mọi việc dường như vẫn đang giậm chân tại chỗ” nên đã khiến các quan chức Iran “rất sốt ruột.”
Mặc dù luôn bày tỏ mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, song EU dường như chậm chạp và có phần “chần chừ” khi xúc tiến những bước đi tiếp theo để thực hiện những cam kết với Iran liên quan đến SPV.
Điều này một phần được cho là EU cũng “đắn đo” và tỏ ra lo ngại trước tính khả thi của SPV do còn một số vướng mắc khi đi vào chi tiết đồng thời cũng không thể loại trừ những sức ép từ Washington.