Đây là sự kiện văn hóa độc đáo của tỉnh Tây Ninh được tổ chức hai năm một lần nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương; tôn vinh các nghệ nhân gìn giữ nghề; tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực của Tây Ninh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh Nguyễn Hoàng Nam cho biết, sự kiện thu hút khoảng 10.000 người tham gia xem các nghệ nhân trình diễn thực tế nghề làm bánh tráng phơi sương, liên hoan ẩm thực bánh canh, bánh tráng phơi sương; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm hái rau rừng trên sông Vàm Cỏ Đông. Theo ông Nam, nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng đã có từ thời cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng đi khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ 18. Ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau này người ta đã sáng tạo ra bánh tráng phơi sương do vùng đất Trảng Bàng được trời cho ngày nhiều nắng đêm lắm sương. Để làm bánh tráng phơi sương, người dân nơi đây cũng phải một nắng hai sương thức khuya dậy sớm. Thực tế, theo nhiều người cao tuổi ở Trảng Bàng cho biết, do bánh tráng nướng giòn, phơi sương đêm dễ rách nên người ta đã nghĩ ra cách tráng thêm hai lớp bánh chồng khít lên nhau, cho thêm chút muối để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng vừa khô rồi nướng bằng than đậu phộng cho có độ phồng mềm rồi đem phơi sương. Hơi sương sẽ ngấm từ từ vào bánh, giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước. Bánh phơi sương dùng để cuốn với thịt heo luộc cùng các loại rau rừng Tây Ninh gồm diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu… và là món ngon không thể bỏ qua với du khách gần xa. |