Dưới đây là những lệnh trừng phạt đã được thực hiện và các lựa chọn của phương Tây: Các lệnh trừng phạt đang áp dụng Châu Âu EU đã không cấp thị thực và phong tỏa tài sản của 33 quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nga và Ukraine, bao gồm các nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các chỉ huy của hạm đội Biển Đen và Crimea. Danh sách bao gồm Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin; trợ lý của ông Putin, Vladislav Surkov và chủ tịch cả hai viện Quốc hội Nga. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã cùng với những người đồng cấp ở nhóm G7, nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất, hủy bỏ hội nghị G8 với Nga lẽ ra diễn ra vào tháng 6. Brussels cũng ngừng các cuộc thương lượng về việc dỡ bỏ thị thực với Nga và các hợp tác chung khác giữa EU và Nga. Mỹ Washington đã tuyên bố ngưng cấp thị thực và phong tỏa tài sản của 27 người, bao gồm các lãnh đạo vùng Crimea ly khai và các chính trị gia, doanh nhân Nga. Trong số đó có chánh văn phòng của ông Putin, Sergei Ivanov; các doanh nhân Arkady và Boris Rotenberg, cùng Yury Kovalchuk, những người được cho là thân cận với ông Putin. Các khách hàng của một số ngân hàng Nga bị đưa vào danh sách đen cũng đã không được sử dụng thẻ tín dụng Visa và MasterCard nữa. Mỹ đã ngưng các hợp tác quân sự với Nga đồng thời tạm ngưng việc xuất khẩu các công nghệ và nguyên liệu nhạy cảm cho Nga, bao gồm các phần cứng và phần mềm cho hoạt động cảnh sát, các hóa chất độc hại và ngòi nổ. Khác: Canada đã ban hành lệnh cấm vận với 7 công dân Nga và 3 quan chức Crimea. Nhật Bản đã ngưng các cuộc thương lượng với Nga về việc dỡ bỏ bớt các đòi hỏi liên quan tới thị thực và sẽ không thương lượng một hiệp định đầu tư mới. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, nhóm gồm các nền kinh tế tiên tiến nhất, đã treo tư cách thành viên của Nga. NATO đã ngưng các hợp tác quân sự và dân sự, bao gồm sứ mệnh chung đầu tiên của họ với Nga, hộ tống một tàu chiến Mỹ có nhiệm vụ giải trừ vũ khí hóa học ở Syria. Các biện pháp cấm vận đang được xem xét Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo những phương pháp cấm vận phi kinh tế rộng hơn nhắm vào Nga. Pháp đã ngưng hầu hết các hợp tác quân sự với Nga, sẽ phải quyết định có bán cho Nga hai tàu tấn công có khả năng mang máy bay trực thăng Mistral hay không. Chiếc thứ nhất có lịch giao hàng vào tháng 10 năm nay. Hợp đồng này trị giá tới 1,2 tỷ euro (1,4 tỷ USD). Các biện pháp cấm vận kinh tế sẽ là con dao hai lưỡi làm ảnh hưởng tới tất cả các bên. Nga và EU có nhiều lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng khi khối 28 nước này nhận 1/4 nguồn cung khí đốt từ Nga./. Theo Vietnam+ |