“Chợ 4.0” là mô hình thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt đã và đang được triển khai thực hiện rộng rãi tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian triển khai,ươngmạivBộđiđầytriểnvọlich bong da uc mô hình Chợ 4.0 đã thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh mua bán, cũng như tạo làn gió mới trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Tiểu thương tại chợ Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, sử dụng mã QR code để thanh toán.
Đi chợ không cần đem tiền mặt
Trước đây, mọi người thường có suy nghĩ phải đến các trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng lớn mới có thể dùng điện thoại hoặc thẻ ngân hàng để thanh toán, nhưng giờ đây, chỉ cần tới một số khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh là đã có thể trải nghiệm thanh toán mà không cần tiền mặt. Giờ đây, người dân dù trả với số tiền lớn vài triệu hay chỉ vài chục ngàn đồng cũng có thể quét mã QR khi có điện thoại thông minh hoặc chuyển tiền qua các ứng dụng mobile money (tiền di động).
Là chợ trung tâm của thành phố Vị Thanh, chợ Vị Thanh (phường III, thành phố Vị Thanh) chính thức trở thành “Chợ 4.0” đầu tiên của thành phố. Tại đây, khách hàng thanh toán không cần dùng tiền mặt, hướng tới sự nhanh chóng và thuận lợi trong kinh doanh, mua bán. Bà Phan Thị Lan, tiểu thương tại chợ, cho biết: “Nhiều người đến đã ngạc nhiên khi ghé qua sạp gạo mà lại đặt bảng có mã QR để thanh toán. Đâu phải chỉ mình sạp của tôi mà cả những sạp khác nữa. Tiện ở chỗ chuyển - nhận tiền nhanh và an toàn. Khách hàng tới mua tôi cũng giới thiệu sử dụng, không cần chuẩn bị tiền lẻ, cũng không cần chờ đổi tiền hay thối tiền. Cách làm mới này sẽ giảm được việc phải mang theo số tiền lớn để mua sắm của người dân, còn người bán cũng không phải lo cất giữ tiền mặt nữa”.
Thật vậy, công nghệ số bây giờ thật sự đã len lỏi vào từng hoạt động hàng ngày, từng bao gạo, giỏ trái cây… Cách làm này thực tế, gần gũi giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số, tạo thói quen tiêu dùng thông minh và hiện đại hơn cho người dân. Chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương tại chợ phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Với mô hình này, tiểu thương chúng tôi và khách hàng khi mua bán sẽ thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money thay cho hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Tôi thấy hình thức này rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua, bởi hạn chế được việc mang nhiều tiền khi ra đường”.
Mô hình Chợ 4.0 được triển khai xây dựng đầu tiên tại thị xã Long Mỹ là ở chợ Long Mỹ với hơn 270 hộ tiểu thương cài đặt ví điện tử và điểm thanh toán. Sau khi ra mắt, Viettel Hậu Giang đã phân công cán bộ đến tận nơi các tiểu thương mua bán hỗ trợ bà con cài đặt App Viettel Money. Đồng thời, hướng dẫn cho các tiểu thương cách thức sử dụng dịch vụ cũng như phương thức thanh toán giao dịch trực tuyến. Ông Võ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Viễn thông Viettel Hậu Giang, cho biết: Quá trình hỗ trợ người dân cài đặt App Viettel Money, nhìn chung bà con hưởng ứng nhiệt tình. Bởi đây là giải pháp tối ưu trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền kinh doanh hiệu quả, các tiểu thương sẽ không còn lo việc bảo quản. Việc quét mã QR để thanh toán giúp tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Song song đó, các tiểu thương còn có thể sử dụng App để thanh toán tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường hay các chi phí khác. Sau thời gian triển khai, tuy bước đầu gặp khó vì thói quen tiêu dùng, thanh toán bằng tiền mặt của bà con đi chợ rất khó thay đổi, nhưng cũng có nhiều phản hồi và kết quả tích cực, chứng tỏ tiêu dùng không sử dụng tiền mặt đang len lỏi vào nhiều khía cạnh của đời sống và rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số cho người dân Hậu Giang.
Theo kế hoạch năm 2023, thị xã Long Mỹ ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại 5 chợ trên địa bàn. Tham gia mô hình, người dân và các tiểu thương sẽ trao đổi, kinh doanh mua bán hàng hóa không sử dụng tiền mặt trực tiếp như phương thức thanh toán truyền thống. Thay vào đó, mọi người sẽ thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng việc sử dụng các phương tiện thanh toán ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR, các ứng dụng thanh toán trên nền tảng di động như Viettel Money.
Ông Mai Lý Tưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Long Mỹ, thông tin: Mô hình được triển khai góp phần đào tạo kỹ năng số cho người dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số, sử dụng các nền tảng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế số. Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số trên địa bàn thị xã Long Mỹ.
Mô hình Chợ 4.0 đang từng bước giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Giao dịch mua bán thuận lợi, an toàn sẽ góp phần kích cầu mua sắm, từ đó thúc đẩy kinh tế của các địa phương trong tỉnh phát triển.
Sở Công thương tỉnh tổ chức nhiều buổi hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Khi “đi chợ” tại nhà
Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng các nền tảng mạng xã hội đang được xem là bước chuyển trong phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân, cơ sở, hợp tác xã trong xu thế công nghệ càng phát triển. Tốc độ nhanh, thị trường rộng cả trong và ngoài nước, kết nối trực tiếp người bán và người mua với chi phí thấp... Những thuận lợi kể trên làm TMĐT trở thành xu thế tất yếu để đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.
Khi muốn “đi chợ trực tuyến”, người dùng chỉ cần truy cập vào các sàn TMĐT, vào ô tìm kiếm và gõ từ khóa Hậu Giang, nhiều sản phẩm tại địa phương như siro khóm, nước màu khóm, mứt khóm, trà khổ qua rừng, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, trà mãng cầu… từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất tại Hậu Giang xuất hiện. Giá bán, hình ảnh, xuất xứ, công dụng, cách sử dụng và khuyến mãi rõ ràng. So với trước đây, số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đây là nỗ lực đổi mới của các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, giới thiệu và quảng bá trên mạng xã hội cùng với sự vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh và các sở, ngành.
Vượt qua bước đầu còn mới mẻ, giờ đây chị Lê Kim Phụng Em, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, đã thành thạo quản lý các gian hàng trực tuyến và niềm vui lúc này không chỉ có lúc khách “chốt đơn”, mà còn là khoảng cách giữa khách hàng và người sản xuất càng gần hơn. Chị còn tập tành quay video quy trình sản xuất, thường xuyên tương tác với khách hàng và ghi nhận các bình luận đánh giá để làm cơ sở cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy gian hàng ảo nhưng chất lượng sản phẩm là thật và đó mới chính là điều níu chân khách hàng dù khoảng cách địa lý xa hay gần.
Chị Phụng Em tâm sự: “Theo tôi, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay. Lợi ích mang lại đầu tiên so với phương pháp kinh doanh truyền thống là tiết kiệm được nhiều chi phí như: thiết kế gian hàng, thuê mướn nhân công... Ngoài ra, trên không gian mạng, chúng ta cũng có thể đính kèm nhiều hình ảnh cho sản phẩm, từ đó giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ hơn về hàng hóa cần mua”. Thời gian qua, ngoài công việc chính là sản xuất trà, chị Phụng Em còn dành nhiều thời gian “chăm chút” cho từng gian hàng trên sàn cũng như các bài đăng trên mạng xã hội. Điều này đã giúp doanh số bán hàng tăng khoảng 20% so với bán hàng theo cách thức truyền thống.
Cũng kinh doanh trà mãng cầu, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, cơ sở trà mãng cầu Ánh Nguyệt, cho biết: Sản phẩm trà rất phù hợp để quảng bá trên môi trường TMĐT vì là sản phẩm chế biến, hoàn thiện về quy trình, mẫu mã, bao bì có thể bảo quản tốt sản phẩm bên trong, dễ vận chuyển. Vấn đề còn lại là cách quảng bá tốt trên mạng, hình ảnh, thông tin rõ ràng để thu hút nhiều lượt đặt hàng. Điều này cần sự hỗ trợ nhiều từ địa phương và các ngành để các cơ sở thông thạo, tự quản lý tài khoản bán hàng online và giới thiệu sản phẩm rộng rãi.
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, hiện nay, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến. Tới đây, Sở sẽ cùng với Viettel Hậu Giang, VNPT Hậu Giang, các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân quen dần với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện một số hoạt động hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các nền tảng số, thương mại điện tử…
Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang TMĐT để doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại nhiều địa phương trên cả nước, đưa lên các sàn TMĐT hơn 2.030 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực. Gần 26.347 đơn hàng giao dịch và doanh thu đạt hơn 4,7 tỉ đồng. |
Bài, ảnh: Y.LINH