PGS.TS. Đặng Thái Hùng- Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, báo cáo tài chính doanh nghiệp (DN) vốn được xem là nguồn tin chủ đạo đáng tin cậy mà nhà đầu tư dựa vào trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Do đó, khi đầu tư vào Việt Nam dần trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, IFRS-được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch- sẽ đóng vai trò quan trọng giúp DN tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Xác định tầm quan trọng này, Bộ Tài chính luôn quan tâm vào việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán quốc tế nói chung và IFRS nói riêng để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.
"Luật Kế toán sửa đổi chuẩn bị được Quốc hội thông qua đã bổ sung "Nguyên tắc giá trị hợp lý" làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng IFRS ở Việt Nam”- ông Đặng Thái Hùng nhấn mạnh.
Ông Ged Allen, chuyên gia tư vấn quốc tế cấp cao cũng đưa nhận xét, việc đưa ra lộ trình áp dụng IFRS cho thấy Việt Nam đã hòa nhập rất tốt và đang có hướng đi phù hợp với thị trường khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như thị trường quốc tế nói chung.
Áp dụng IFRS một cách toàn diện và hiệu quả sẽ góp phần đưa hoạt động tài chính, kế toán, kiểm toán Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu…
IFRS hiện đang được áp dụng ở nhiều mức độ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích trong quản trị tài chính công và tài chính DN. |
Xuân Anh-Hải Anh