Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, từ ngày 1/1, Cuba và Bolivia đã chính thức trở thành các quốc gia đối tác của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Việc thu hút các đối tác mới, bao gồm Cuba và Bolivia, được BRICS thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của khối tổ chức vào tháng 10/2024 tại Kazan (Nga) nhằm mục đích tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị, thúc đẩy sự hội nhập của các quốc gia ở Nam bán cầu. Đối với Cuba, việc gia nhập BRICS là cơ hội quan trọng để vượt qua sự phong tỏa kinh tế kéo dài do Mỹ áp đặt. Theo Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, BRICS mang lại hy vọng lớn cho các quốc gia ở Nam bán cầu trong cuộc đấu tranh vì một trật tự quốc tế công bằng và dân chủ hơn. Tiềm năng của Cuba trong khối nằm ở sự phát triển công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm và khả năng thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ. Hơn nữa, khả năng giao dịch bằng đồng nội tệ trong BRICS sẽ cho phép đảo quốc Caribe này giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và mở ra các luồng thương mại mới. Về phần mình, Bolivia tìm thấy ở BRICS một cơ hội để mở rộng tầm nhìn kinh tế của mình. Tổng thống Bolivia Luis Arce nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận thị trường khổng lồ của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. BRICS mang lại cơ hội cho Bolivia phát triển về mặt công nghệ và tiếp cận hợp tác tài chính đa phương. Đối với Cuba và Bolivia, sự liên kết với BRICS mở ra con đường hướng tới đa dạng hóa kinh tế, hợp tác công nghệ và hội nhập tài chính trong bối cảnh quốc tế đang chuyển đổi. BRICS hiện gồm 9 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran, Ethiopia cùng 9 quốc gia đối tác gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan. BRICS đại diện cho hơn 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, 45% dân số toàn cầu và 30% diện tích đất liền./. |