Theo kế hoạch xây dựng văn bản, dự kiến cuối năm 2016 Nghị định này sẽ được ban hành và kỳ vọng chất lượng quản trị công ty được tăng cường, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trên thị trường.
Nối tiếp nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị công ty
Kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000 đến nay, quản trị công ty đối với các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những nội dung được Chính phủ hết sức quan tâm.
Theo dự án tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chính phủ đã ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết theo Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP ngày 19/11/2002.
Tiếp đó, Luật Chứng khoán năm 2006 cũng đã có quy định mang tính nguyên tắc về quản trị công ty và giao Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty niêm yết. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về viêc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng đối với công ty niêm yết và Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết.
Tới năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán quy định các nguyên tắc về quản trị công ty đại chúng và giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về vấn đề này. Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Đại diện Vụ Quản lý chào bán chứng khoán đánh giá, Thông tư 121 đã ban hành được 4 năm và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường, cũng như các công ty đại chúng có cơ sở pháp lý trong việc triển khai công tác quản trị công ty, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch đối với các công ty đại chúng. Với việc ban hành Thông tư này, các công ty đại chúng ở Việt Nam lần đầu đã có một bộ thông lệ tương đối thống nhất về quản trị công ty, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa công ty niêm yết và công ty đại chúng chưa niêm yết.
“Đến thời điểm này, cơ quan quản lý đang tích cực, chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn quy định về quản trị công ty theo hướng xây dựng Nghị định. Bởi đối tượng điều chỉnh về quản trị công ty phức tạp và quy định về quản trị công ty tại cấp Nghị định có tính chất pháp lý cao hơn cấp Thông tư. Đồng thời, việc xây dựng văn bản ở cấp Nghị định cũng phù hợp với môi trường pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định điều kiện kinh doanh và các hoạt động phát sinh thủ tục hành chính phải được quy định tại cấp Nghị định”, đại diện Vụ Quản lý chào bán chứng khoán cho hay.
Sẽ có cả quy định bắt buộc, lẫn định hướng
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Vụ Quản lý chào bán Chứng khoán cho biết, ở Việt Nam, việc xây dựng các quy định về quản trị công ty được xây dựng dựa trên 6 nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và phù hợp với môi trường pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Cụ thể hơn, các nội dung quy định về quản trị công ty tại Dự thảo Nghị định bao gồm những nội dung quy định bắt buộc và nguyên tắc mang tính định hướng.
Nghĩa là, ngoài việc có các nội dung bắt buộc mà các đối tượng có liên quan phải tuân thủ; thì sẽ có những nguyên tắc mang tính định hướng là các nội dung hướng tới những thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới. Chẳng hạn như việc công ty đại chúng phải cố gắng tối đa trong việc áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông một cách tốt nhất; cơ cấu thành viên hội đồng quản trị cần đảm bảo sự cân đối giữa thành viên điều hành và không điều hành...
Hiện nay, “dự thảo Nghị định này đã được đăng tải website lấy ý kiến rộng rãi thành viên thị trường và lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành liên quan. Theo kế hoạch xây dựng văn bản, dự kiến cuối năm 2016 Nghị định được ban hành. Việc ban hành Nghị định sẽ tạo điều kiện cho các thành viên thị trường cũng như các công ty đại chúng có cơ sở pháp lý đồng bộ trong việc triển khai công tác quản trị công ty, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán”, đại diện UBCKNN thông tin.
Chu Thái