Đề nghị các địa phương công bố phương án tổ chức giao thông khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch | |
Các tỉnh phía Nam ưu tiên tối đa lưu thông,ácđịaphươngcósựkhácbiệttrongchốngdịchdẫntớiáchtắcnôngsảbdkq hang 2 duc tiêu thụ nông sản |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam |
Ngay sau khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đã lập tức có kiến nghị về việc vận chuyển giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn tại các chốt kiểm soát. Các doanh nghiệp của Hiệp hội có gặp khó khăn này không, thưa ông?
Trên thực tế, khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình trạng ách tắc ở các chốt kiểm dịch đã xảy ra. Mấy ngày gần đây khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp của Hiệp hội cũng gặp tình trạng tương tự khiến việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, con giống gặp nhiều khó khăn, bị ách tắc.
Đường dây nóng của Hiệp hội liên tục nhận được phản ánh về việc doanh nghiệp, chủ trang trại không thể vận chuyển được các loại vật tư nông nghiệp như con giống, thức ăn chăn nuôi.
Tôi được biết, các bộ, ngành đã có quy định rất rõ xe vận chuyển nào thì được đăng ký “luồng xanh” quốc gia qua mã QR. Tuy nhiên, do có quá nhiều doanh nghiệp đăng ký nên xảy ra tình trạng nghẽn mạng, không đăng ký được. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa làm rõ khái niệm thế nào là mặt hàng thiết yếu, trong đó có giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi nên việc vận chuyển của doanh nghiệp cũng bị ách tắc.
Ngày 21/7/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Sở trình UBND các tỉnh, thành phố bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu, làm rõ khái niệm mặt hàng nào là thiết yếu, đề nghị đưa thêm vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật), cây – con giống vào danh mục.
Tiếp đó, ngày 26/7/2021, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã trình UBND thành phố về danh mục hàng hóa thiết yếu, trong đó có bổ sung giống cây trồng - vật nuôi, các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Hy vọng, sau khi có văn bản các vướng mắc dần được tháo gỡ.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến việc vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp ách tắc là do quy định về hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Mặc dù Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương nếu lái xe có giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc xét nghiệm PCR) âm tính với SARS-CoV-2 thì được thông chốt, nhưng một số địa phương không chấp nhận test nhanh, chỉ công nhận xét nghiệm PCR.
Có những địa phương chấp nhận hiệu lực giấy xét nghiệm trong 24 giờ, có tỉnh trong 48 giờ, có nơi lại 72 giờ. Việc không thống nhất quy định giữa các địa phương cũng gây nên khó khăn cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Xin ông chia sẻ rõ hơn về những ách tắc mà các doanh nghiệp gặp phải do vướng mắc trong thực hiện “luồng xanh” những ngày gần đây?
Vài ngày trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh với Hiệp hội tình trạng các xe vận chuyển hàng hóa, thức ăn chăn nuôi, con giống 1 ngày tuổi đi từ Bình Định đến Đồng Nai, Bình Dương gặp ách tắc.
Ngay lập tức, Hiệp hội gọi điện cho Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm tổ trưởng can thiệp kịp thời thì xe được cho lưu thông. Nhiều đơn vị nếu không có Tổ công tác 970 can thiệp sẽ bị ách tắc.
Từ thực tế này có thể thấy, Trung ương chỉ đạo thống nhất nhưng mỗi địa phương lại thực hiện khác, không có sự thống nhất, dẫn đến ách tắc trong dòng chảy lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp, khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Với Hà Nội, ngay ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hiệp hội cũng nhận được thông tin nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thiếu thức ăn do ách tắc trong khâu vận chuyển, nhiều xe chưa kịp xin thẻ đi vào “luồng xanh”. Nhưng tôi tin tình hình sẽ sớm được khắc phục.
Hiệp hội có kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thưa ông?
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản gửi các bộ, ngành, duy trì đường dây nóng kịp thời phản ánh khó khăn của doanh nghiệp. Rất mừng là sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, ở phía Nam, Tổ Công tác 970 xử lý khẩn trương, tổ trưởng trực tiếp gọi điện cho địa phương xảy ra ách tắc để giải phóng hàng hóa. Hà Nội cũng đã có những điều chỉnh, phân luồng kịp thời.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, Chính phủ cần có sự thống nhất giữa các bộ ngành về danh mục các loại hàng hóa thiết yếu, thời hạn hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Bởi thực tế, vẫn còn tình trạng, nhiều địa phương nói quy định đó là ở quốc lộ chứ không phải tỉnh lộ, huyện lộ, trong khi các trang trại chăn nuôi lại nằm ở vùng xa, thường là sâu trong ngõ xóm.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng vận chuyển hàng hóa để đảm bảo sản xuất, lưu thông diễn ra bình thường trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch.
Xin cảm ơn ông!