Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đều có chính sách đầu tư vào châu Phi với những tham vọng khác nhau.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington,thứ hạng của verona DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc hội Mỹ vừa thông qua “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD) nhằm tăng cường đầu tư, kích thích cho châu Phi phát triển. Theo đó, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỉ USD, gấp đôi ngân sách hiện tại của OPIC. Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư - thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC.
BUILD không chỉ khuyến khích tăng cường đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế trên khắp “lục địa đen”, mà còn hỗ trợ tăng cường tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường châu Phi đang phát triển và đầy tiềm năng. Đạo luật BUILD được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ tại lưỡng viện và dự kiến Tổng thống Trump sẽ ký phê chuẩn đạo luật này.
Động thái này được đánh giá là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thời điểm hiện nay. Trong khi chính quyền của Tổng thống Trump chưa đưa ra chính sách cụ thể đối với châu Phi, Quốc hội Mỹ ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở châu Phi, đặc biệt là mối quan tâm đối với phụ nữ, khu vực tư nhân và phát triển kinh tế.
Trong một động thái liên quan, trước đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ thực thi 8 sáng kiến lớn với các nước châu Phi trong 3 năm tới và dài hơn, trong các lĩnh vực như thúc đẩy sản xuất công nghiệp, kết nối hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho thương mại và phát triển xanh... Theo đó, Trung Quốc sẽ thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp viện trợ thực phẩm nhân đạo khẩn cấp trị giá một tỉ nhân dân tệ (147 triệu USD) cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, và cử 500 chuyên gia cao cấp về nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi.
Về kết nối hạ tầng, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các công ty nước này tham gia phát triển hạ tầng tại châu Phi theo mô hình đầu tư - xây dựng - vận hành, hoặc các mô hình khác. Về tạo điều kiện cho thương mại, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm không phải là nguyên liệu thô và hỗ trợ các nước châu Phi tham gia Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Các nước châu Phi kém phát triển nhất sẽ được miễn phí mở gian hàng tại triển lãm. Ngoài ra, Trung Quốc còn hỗ trợ thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển xanh, bảo vệ sinh thái và môi trường, với trọng tâm chống biến đổi khí hậu, đại dương và ngăn chặn và kiểm soát quá trình sa mạc hóa và chống cháy rừng.
Đáng lưu ý là Bắc Kinh tuyên bố theo đuổi một cách tiếp cận “5 không” trong quan hệ với châu Phi, gồm không can thiệp vào việc lựa chọn con đường phát triển của các nước châu Phi phù hợp với điều kiện của riêng từng nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Phi; không áp đặt mong muốn của Trung Quốc đối với các nước châu Phi; không gắn đòi hỏi chính trị vào các hỗ trợ dành cho châu Phi; và không tìm cách giành các lợi ích chính trị ích kỷ trong việc hợp tác đầu tư và tài chính với châu Phi. Trung Quốc cũng áp dụng một cách tiếp cận hướng tới người dân trong khi theo đuổi hợp tác thiết thực và hiệu quả. Trung Quốc sẽ xóa nợ cho một số nước kém phát triển nhất ở châu Phi và sẵn sàng phối hợp với các đối tác quốc tế để hỗ trợ châu Phi theo đuổi hòa bình và phát triển.
Việc Mỹ và Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào châu Phi không chỉ đơn thuần nhằm tăng cường hợp tác để thu về những lợi ích kinh tế thiết thực mà theo giới quan sát, những động thái trên còn là tranh giành tầm ảnh hưởng ngoại giao ở “châu lục đen” này. Đây còn là bước đi trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã căng thẳng trong thời gian gần đây.
HN tổng hợp