Giữ ổn định tỷ lệ phân chia một số khoản thu đặc thù Theo quy định tại thông tư, năm 2021 tiếp tục ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đã được Quốc hội quyết định năm 2017; ổn định số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có) từ NSTW cho NSĐP theo mức đã được Quốc hội quyết định năm 2020; bổ sung cho NSĐP để thực hiện tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng được Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp NSĐP thực hiện theo đúng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định. Đối với năm 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới so với năm 2020. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định theo quy định. Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cùng cấp. Đáng chú ý, năm 2021 tiếp tục thực hiện giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia, cơ chế điều tiết một số khoản thu đặc thù. Theo đó, thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu, năm 2021 tiếp tục ổn định tỷ lệ (%) thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu như đối với năm 2017. Theo đó: 37,2% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu là khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP; 62,8% số thu thuế bảo vệ môi trường điều tiết 100% số thu về NSTW. Cơ quan thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế đúng mục lục ngân sách nhà nước (NSNN) và phân cấp ngân sách đối với số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện điều tiết tiền thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như phân cấp quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14. Đối với giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho NSTW, 30% số thu cho NSĐP; đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện phân chia 100% số thu cho NSĐP; tiếp tục thực hiện điều tiết 100% về NSTW số thu từ xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý thị trường... Siết giảm chi tiêu thường xuyên Về giao dự toán thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu NSNN Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài việc giao dự toán thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc (nếu có). Theo quy định tại thông tư, việc giao dự toán thu NSNN năm 2021 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2020; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn. Đồng thời, trong dự toán phải tính đến yếu tố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định. Trong phạm vi số thu phí, số phí nộp ngân sách đã giao, số phí để lại chi theo quy định Bộ Tài chính giao, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong phạm vi dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại do Bộ Tài chính giao, các bộ, cơ quan trung ương chủ động quản lý, sử dụng cho các nội dung theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Bộ Tài chính kiểm tra cùng với phương án phân bổ ngân sách theo quy định. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù bằng các nguồn thu nghiệp vụ, nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của cấp có thẩm quyền, các bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn lập kế hoạch thu, chi năm 2021 theo cơ chế hiện hành, yêu cầu tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020. Trong thực hiện dự toán ngân sách năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách, bởi dự báo trong năm này vẫn còn khó đoán định. Nếu trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, sẽ tạo điều kiện cho nguồn thu ngân sách. Trên thực tế, nguồn chi ngân sách năm 2021 giảm so với năm 2020 là hơn 60 nghìn tỷ đồng, trong khi chi cho đầu tư phát triển tăng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục phải chủ động các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, đồng thời siết chặt chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên./. Minh Anh |