Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học bảo đảm đúng các quy định hiện hành.
Các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc may (mua) quần áo đồng phục trái quy định.
Ngày 2/10, trả lời về tình trạng lạm thu xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là việc lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu sai quy định, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Hồng Quang cho biết năm 2011, Bộ Giáo dục và Đạo đã ra thông tư ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thông tư này quy định rõ chức năng, nhiệm, vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có quy định chi tiết Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trước đó, Bộ cũng có nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, sở các địa phương chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, tập trung nhiều ở thành phố lớn, có điều kiện thuận lợi.
Hiện nay, việc bố trí ngân sách các cấp học từ mầm non tới phổ thông là do mỗi địa phương tự quyết định tiêu chí nhưng phải đảm bảo tối đa 80% chi thường xuyên cho lương, các khoản như lương và còn lại 20% để chi cho công tác giảng dạy, quản lý nhà trường.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục không bảo đảm cơ cấu chi đó, nhiều nơi khoản chi cho lương chiếm tới 85%, thậm chí 95%.
Các nhà trường không thể bắt học sinh đóng góp cho khoản chi 20% này mà phải thực hiện đúng, đủ quy định ngân sách của Chính phủ.
Trả lời về việc một số nơi lợi dụng việc xã hội hóa giáo dục để thu sai nguyên tắc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết trong quy định về xã hội hóa giáo dục có quy định rõ việc huy động tài trợ, quản lý các nguồn tài trợ cho giáo dục…
Phó Vụ trưởng Bùi Hồng Quang cho rằng để giải quyết tình trạng lạm thu này thì thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi xảy ra các khoản thu trái quy định.
Bản thân địa phương, đặc biệt các cơ quan quản lý giáo dục cũng phải thấy được trách nhiệm của mình, phối hợp các cơ quan ban ngành địa phương để xử lý kỷ luật mạnh tay. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này.
Theo TTXVN
Kỳ thi Quốc gia 2015: Có người đánh giá cao