Tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, thế hệ trẻ huyện Ngọc Hiển hôm nay và mai sau luôn tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối đã làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 19/10/1962, tàu Phương Ðông 1 cập bến Vàm Lũng an toàn và mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo tiền đề cho những chuyến tàu vận chuyển vũ khí bằng đường biển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Ðể che mắt địch, công việc vận chuyển vũ khí chủ yếu diễn ra vào ban đêm, đúng thời điểm con nước lớn để bộ đội thuận lợi chuyển vũ khí vào kho. Nhờ Nhân dân vùng biển Tân Ân đùm bọc, chở che nên mọi việc diễn ra suôn sẻ, không bị địch phát hiện.
Ðến tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử Quốc gia bến Vàm Lũng, bạn Lý Thị Hồng Vân, Bí thư Xã đoàn Viên An Ðông, chia sẻ: “Ðây là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc. Dù 60 năm đã trôi qua nhưng chiến tích về đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn sống mãi cùng năm tháng, đi cùng những chiến công vang dội của các anh hùng, liệt sĩ đã mở con đường huyền thoại. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay nguyện quyết tâm học tập, lao động và cống hiến hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc”.
Di tích lịch sử Quốc gia bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống, để thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cách mạng của cha ông, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, được sống lại với những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử. Quan trọng hơn, để thế hệ trẻ hun đúc bầu nhiệt huyết giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay.
Ðoàn viên, thanh niên huyện Ngọc Hiển tìm hiểu về con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Bạn Lê Bảo An, đoàn viên ấp Nhưng Miên, xã Viên An Ðông, là bộ đội xuất ngũ, khi trở về quê hương hăng hái tham gia công tác Ðoàn và tích cực tuyên truyền cho các bạn trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Gần đây, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lê Bảo An tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng chốt giữ ở cửa biển để hạn chế tình trạng nhập cảnh trái phép, bảo vệ vùng xanh an toàn cho huyện.
Ðoàn viên Trần Hồng Nghi (xã Viên An Ðông) cảm xúc: “Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua sự phong toả gắt gao, ác liệt của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn tàu Không số và quân, dân huyện Ngọc Hiển đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên con đường huyền thoại đó đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại biển khơi, dũng cảm quên mình để bảo vệ tàu, bảo vệ hàng, bảo vệ bí mật của con đường chiến lược. Là thế hệ trẻ hôm nay, tôi nguyện dốc hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.
Chị Nguyễn Cẩm Tú, Bí thư Huyện đoàn Ngọc Hiển, khẳng định, huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử. Trong giai đoạn mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thế hệ hôm nay sẽ kế tục, phát huy sức trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần đưa huyện Ngọc Hiển ngày càng phát triển./.
Chí Hiểu