Hoa Kỳ điều tra lẩn tránh thuế sản phẩm tôm xuất khẩu | |
Loạt 'ông lớn' dệt may dốc lực sản xuất khẩu trang | |
Lo tắc nông sản ở biên giới,ấtkhẩuđầunămđãlaođty lê ca cươc Hải Phòng khuyến cáo việc xuất khẩu sang Trung Quốc | |
Tìm kiếm thị trường trước ảnh hưởng của dịch bệnh |
Thời gian tới XK hàng hóa Việt Nam được dự báo tiếp tục đối diện không ít khó khăn, nếu kéo dài sẽ gây lo ngại cho mục tiêu XK 300 tỷ USD đặt ra trong năm 2020. Ảnh: T.Bình. |
Tất cả nhóm hàng đều giảm
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó XK ước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu xét về nhóm hàng, điểm dễ nhận thấy là giá trị XK tất cả các nhóm hàng đều theo chiều đi xuống. Cụ thể, giá trị XK nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 9,7% tổng kim ngạch XK. Trong nhóm này, ngoại trừ sắn và các sản phẩm từ sắn, các mặt hàng khác đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, kim ngạch XK nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,294 tỷ USD, giảm tới 36,3% so với cùng kỳ năm 2019. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, tình hình cũng không khả quan hơn khi kim ngạch XK tháng 1 ước đạt 15,88 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 83,6% tổng kim ngạch XK.
Bộ Công Thương đánh giá: Kim ngạch XNK trong tháng 1 giảm so với tháng 12/2019 và giảm so với cùng kỳ năm 2019 do có kỳ nghỉ Dương lịch và Nguyên đán đều rơi vào tháng này. Số ngày làm việc thực tế của tháng 1 chỉ là 17 ngày, thấp hơn so với 22 ngày làm việc của tháng 12/2019 và tháng 1/2019. Cán cân thương mại tháng 1 quay trở lại nhập siêu, tuy nhiên mức nhập siêu không lớn. Diễn biến này phù hợp với xu hướng các DN đã hoàn tất các đơn hàng XK trước và sau Tết cần một thời gian để các DN quay trở lại đạt năng suất cao, ổn định lực lược lao động.
Chất chồng khó khăn
Trong những ngày đầu năm nay, điểm đáng chú ý nhất trong “bức tranh” XK hàng hóa, điển hình là XK nông, thủy sản là tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây gián đoạn giao thương Việt-Trung.
Chia sẻ rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay: Dịch bệnh này ngay lập tức tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg. Có thể nói, nhóm DN XK trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán. Các thương lái đặt mua ở vựa để XK sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.
Về tình hình XNK thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá: Các biện pháp quyết liệt để chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona của Trung Quốc như cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng XK các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics... Đáng chú ý, hoạt động XNK không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6-8 tháng) bởi nhu cầu tiêu thụ giảm.
Cụ thể, chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng nghìn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản... Bên cạnh đó, chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây.
“Ngoài ra, khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ. Đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ NN&PTNT phụ trách nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam. Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động XNK là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định.
Đa dạng hóa thị trường
Xoáy sâu phân tích câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho XK, đặt biệt là hàng nông, thủy sản trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chưa biết khi nào mới được khống chế, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là thị trường. “Chúng ta không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ có thể chỉ là tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Về dài hạn phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được. Đó chính là vấn đề căn cơ về thương mại”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Ở góc độ ngành hàng, ông Tùng cũng bày tỏ quan điểm: “Dịch bệnh do virus corona không biết bao giờ mới chấm dứt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh XK nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản; riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh do virus corona và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, DN khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động XNK, từ đó có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng XK hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
“Bộ Công Thương đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước NK, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống DN Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng XK hoặc tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh cho phù hợp”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý thêm.
Theo Bộ Công Thương: Trong tháng 1/2020, có 6 mặt hàng XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong các nhóm hàng XK chủ lực, chỉ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ đạt được sự tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019 với kết quả lần lượt tăng 5,6% và 1,4%. Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8%; thị trường EU đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30,8%; ASEAN đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 15,8%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 29,3%. Tháng 1/2020 ước nhập siêu 100 triệu USD, bằng 0,5% kim ngạch XK. Trong đó: Khu vực DN trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỷ USD. |