Kỳ vọng nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa phối hợp với huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ thông quan cặp cửa khẩu song phương Săm Pun (Việt Nam) – Điền Bồng (Trung Quốc).
Cửa khẩu Săm Pun (Việt Nam) được xây dựng tại khu vực mốc 456, biên giới Việt Nam – Trung Quốc; thuộc địa phận thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc). Công trình gồm các hạng mục chính như: Quốc môn kết hợp trạm kiểm soát 3 tầng, tổng diện tích mặt sàn hơn 2.300 m2 và các hạng mục phụ trợ như: Nhà gara ô tô, nhà vệ sinh công cộng, bể nước ngầm sinh hoạt, sân đường nội bộ, trạm biến áp 180 kVA… Trong những năm qua, thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và đã thu được nhiều thành quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của hai bên. Trong đó, hợp tác phát triển cửa khẩu là nội dung hai bên đã tích cực, kiên trì, liên tục thúc đẩy triển khai trong nhiều năm qua. Cửa khẩu Săm Pun, Việt Nam - Điền Bồng, Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thực chất mới giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh cũng như giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam. Do đó, chính quyền địa phương hai bên đề nghị các đơn vị chức năng tại cửa khẩu sớm kết nối, thiết lập kênh liên lạc để phối hợp vận hành cửa khẩu một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông quan của người dân, doanh nghiệp hai bên. Đối với người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thông quan tại cửa khẩu cần thực hiện đúng các quy định. Tiếp tục phối hợp để xây dựng cửa khẩu ngày càng phát triển; chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư phát triển thương mại khu vực cửa khẩu biên giới. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài 277,556 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên tuyến biên giới của tỉnh hiện có 1 cặp cửa khẩu quốc tế, 2 cặp cửa khẩu song phương và 1 cửa khẩu phụ, 10 lối mở biên giới (chưa được mở theo Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ). Trong thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn biên giới được giữ vững. Các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác liên quan đến hoạt động thương mại biên giới, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo động lực hỗ trợ một số dịch vụ phát triển; đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2023 đạt 211,664 triệu USD, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2022 (181,407 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 161,4 triệu USD tăng 1.173,8% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu đạt 50,26 triệu USD, tăng 41,16% so với cùng kỳ năm 2022; hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, xuất trả hàng đã nhập khẩu là 32,99 triệu USD tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Antimon, chè vàng khô, tinh bột sắn khô, ván bóc, hạt tiêu... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Năng lượng điện, thiết bị thủy điện, máy móc dùng trong sản xuất nông nghiệp, hoa tươi... Tạo điều kiện tối đa cho xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ông Trần Việt Thế khẳng định, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Hà Giang đã và đang thường xuyên phối hợp với Cục Hải quan tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết các thủ tục hành chính trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến một cửa quốc gia đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện niêm yết công khai các mức thu phí, lệ phí liên quan đến hoạt động thông quan hàng hoá; niêm yết đường dây nóng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các khâu nghiệp vụ, duy trì và vận hành thông suốt hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý hải quan tự động (VAASSCM); nộp thuế điện tử 24/7; hệ thống miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử... nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu... Đồng thời, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; thiết bị, phương tiện nghiệp vụ; hệ thống quản lý văn bản và điều hành qua mạng Edoc Customs, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. “Chúng tôi xác định đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức phương án điều phối, sắp xếp phương tiện vận tải, kho bãi bảo quản hàng hóa... để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu nhanh chóng, thuận lợi nhất” – ông Trần Việt Thế nhấn mạnh. |