Quên mình làm nhiệm vụ Trung tá Nguyễn Chí Thành là Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN,õcửathămnhàtậpNgườihùngnhiềulầnchạmmặttửthầtrận kups Công an TP.HCM. Trong hơn 22 năm làm việc, anh Thành luôn quên mình, thực hiện nhiều nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nguy hiểm. Vì thế, anh được đồng đội và nhân dân yêu mến, đặt cho biệt danh “người hùng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”. Sau nhiều năm công tác trong lực lượng PCCC – CNCH, anh Thành có vô số lần cứu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, cũng như tìm kiếm thi thể nạn nhân. Thế nhưng, vụ việc anh nhớ nhất là tai nạn lật nhà hàng nổi Dìn Ký năm 2011. “Khoảng 18h, chúng tôi nhận tin và lập tức đến hiện trường. Gần đến nơi, tôi thấy có rất nhiều xe cứu thương đang chờ nên cũng hình dung được phần nào về số lượng nạn nhân mất tích”, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể trong chương trình Gõ cửa thăm nhà. Hiện trường vụ chìm tàu trên sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thời điểm đó, trời mưa lất phất, lục bình che kín mặt sông, các đoàn công tác cứu hộ không xác định được vị trí tàu chìm. Đội của anh Thành tìm kiếm xuyên đêm, đến sáng hôm sau, bằng kinh nghiệm công tác, anh Thành cùng đồng đội lần theo vết dầu loang mới xác định được vị trí tàu chìm. Tiếp đó, anh Thành phát hiện khoang tàu có 15 người đang mắc kẹt và đưa tay vào dò tìm nạn nhân. Anh Thành nhớ: “Người đầu tiên tôi tìm thấy là một người mẹ ôm chặt con mình trong vòng tay. Tôi cũng có con gái nên hiểu được tình cảm đó. Đến tận bây giờ mỗi lần nhắc lại, tôi đều rất xúc động”. Đội cứu nạn cứu hộ mất hơn 2 ngày để đưa toàn bộ thi thể nạn nhân lên bờ. Công tác cứu nạn hoàn tất, anh Thành và đồng đội gần như kiệt sức, không còn đứng vững. Một nhiệm vụ thiêng liêng khác mà anh Thành rất tự hào là được tham gia vào đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ chi viện trong trận động đất lịch sử tháng 3/2023. Chỉ sau 3 tiếng điều động, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã nhận lệnh và lên đường sang nước bạn. Đoàn công tác của Việt Nam chỉ có 15 người nhưng phải vận chuyển theo 15 tấn thiết bị. Họ trải qua những chuyến bay dài, 24 giờ nhịn đói và chịu đựng cái lạnh thấu xương. Trong môi trường cứu hộ khắc nghiệt, anh Thành nói riêng và đoàn công tác của Việt Nam nói chung thay phiên nhau làm liên tục, cùng hướng đến mục tiêu cứu những nạn nhân còn sống. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đội cứu hộ cứu nạn của Việt Nam đã chinh phục được nhiều kỳ tích. Trong đó, việc tìm kiếm và giải cứu cô bé 17 tuổi bị kẹt dưới lớp đất đá suốt 7 ngày khẳng định sự dũng cảm của lực lượng cứu hộ Việt Nam. “Để cứu được nạn nhân một cách an toàn, tôi khoét hang bằng tay để chui vào bên trong. Làm theo cách đó, tôi có thể hy sinh nhưng đó là phương án duy nhất có thể cứu sống nạn nhân”, anh Thành kể. Trước sự dấn thân của đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn bằng những cái ôm và lời yêu thương: “Cảm ơn các bạn đã ở bên chúng tôi”. Hẹn kiếp sau trả nợ gia đình Quyết đoán, dũng cảm khi tham gia cứu nạn nhưng anh Thành lại dễ xúc động mỗi lần nói về gia đình. Người hùng cứu nạn bày tỏ hạnh phúc khi được gia đình ủng hộ, động viên tinh thần trong suốt nhiều năm công tác. Thế nhưng, ở vị trí một người chồng và một người cha, anh Thành thừa nhận bản thân còn nợ gia đình rất nhiều. Anh Thành xúc động: “20 năm, tôi không lo được cho vợ con một mái nhà đàng hoàng, phải ở nhờ nhà nát của một người quen. Sau chuyến công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, được sự quan tâm của lãnh đạo và mạnh thường quân, cuối cùng, tôi cũng có được mái nhà dành tặng vợ con”. Người đàn ông này thừa nhận mình chỉ biết làm việc và cống hiến, chứ không nghĩ đến nhà cửa, xe cộ hay chu toàn kinh tế gia đình. May mắn, anh Thành có được một người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó gánh vác việc nhà. Anh nói: “Vợ tôi rất tuyệt vời. Cô ấy không son phấn, quần áo như người ta. Cô ấy cũng chưa lần nào cằn nhằn về công việc của tôi. Nếu có kiếp sau, tôi mong vẫn được lấy cô ấy để trả nợ”. Suốt bao năm gắn bó, chị Thắm, vợ anh Thành chưa có suy nghĩ buông bỏ. Ngược lại, thấy công việc của chồng vất vả, chị cùng 2 con cố gắng bươn chải. Dù phải tự thân quán xuyến trong ngoài, chị Thắm không oán trách mà còn lo lắng khôn nguôi mỗi lần chồng rời nhà làm nhiệm vụ. Các con của anh Thành cũng cảm nhận được sự nguy hiểm trong công việc của bố. Thế nên, khi nghe bố kể về những chuyến công tác, các con của anh đều lộ vẻ sợ hãi và không kìm được nước mắt. Bé Thanh Ngọc, con gái lớn của anh Thanh nghẹn lời: “Con nhớ nhất lần ba đi cứu nạn ở Hà Giang – Cao Bằng. Con nghe nói ba phải xuống hang sâu hơn 220m một mình nên rất lo lắng. Mẹ và hai đứa con gọi điện thoại cho ba mấy lần mà không được nên rất sợ. Lúc ba nghe máy, tụi con chỉ kịp hỏi: 'Ba có sao không? Ba làm việc xong mau về với con, với mẹ'. Đến hiện tại, con chỉ mong ba đừng cố sức, đừng bỏ lại mẹ và tụi con”. Nghe tâm sự của con gái, anh Thành rơi nước mắt giải thích: “Trước nỗi đau của gia đình nạn nhân, tôi bất chấp nguy hiểm lao xuống hang sâu. Lúc đó, tôi cũng đấu tranh tư tưởng, chọn lựa giữa công việc và gia đình. Tôi lo xuống hang sâu một mình, rủi hy sinh bỏ lại vợ con bơ vơ. Thế nhưng, nếu tôi không tiếp tục việc cứu nạn thì nạn nhân mãi mãi nằm dưới hang. Công việc này như sứ mệnh và nhiệm vụ, là lương tâm của tôi nên dù chỉ 1% cơ hội tôi cũng phải tận dụng”. Giá trị nhân văn của công việc chính là động lực để anh sẵn sàng đánh đổi sức khỏe, thậm chí tính mạng. Anh luôn tâm niệm tiếp tục làm việc cho đến khi không còn đủ sức. Nếu được chọn lại, anh vẫn chọn làm cảnh sát chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Sức nóng trong lò luyện những người chuyên lao vào lửaNhững hành động vượt lửa, chữa cháy cứu người chỉ diễn ra trong giây phút sinh tử nhưng để có những chiến công làm nên biểu tượng của người lính phòng cháy, họ đã phải trải qua những tháng ngày rèn luyện đổ mồ hôi nơi thao trường. |