Đặc biệt trong công tác quyết toán vốn đầu tư, tỉnh Hưng Yên đã có các giải pháp rất sát sao, kiên quyết. Do vậy, việc quản lý dự án đầu tư từ khâu giao kế hoạch, thực hiện kế hoạch, thanh toán và quyết toán đã dần đi vào nề nếp.
Nỗ lực thu hồi nợ đọng
Báo cáo mới nhất từ Sở Tài chính Hưng Yên cho biết, đến hết tháng 5/2016, kế hoạch vốn đầu tư phát triển của tỉnh giải ngân được trên 573 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn khác), đạt 34,12% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước là 21,85%.
Riêng về nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), Hưng Yên có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cả nước, khi kế hoạch được giao trên 612 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 5 mới giải ngân được trên 16 tỷ đồng, đạt 2,7% kế hoạch (tỷ lệ của cả nước là 14,1%).
Về thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, đến hết năm 2015, tổng số nợ xây dựng cơ bản các dự án trên địa bàn còn khoảng trên 626 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ thuộc cấp huyện, xã quản lý. Trong kế hoạch vốn năm 2016, tỉnh Hưng Yên đã bố trí thanh toán cơ bản số nợ do cấp tỉnh quản lý. Hiện tại nợ xây dựng cơ bản của Hưng Yên nằm ở nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương với trên 22 tỷ đồng.
Để xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tỉnh Hưng Yên đã đề ra giải pháp ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 5 năm và thu hồi các khoản vốn ứng trước, phần còn lại bố trí vốn đối ứng với các chương trình, dự án ODA và bố trí vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp. Số vốn còn lại (nếu có) mới cho phép khởi công các dự án mới.
Giải pháp để tăng tốc
Bà Mai Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhận xét: Việc quản lý vốn đã được UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Trên cơ sở chế độ quy định hiện hành của Nhà nước, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chấn chỉnh và hướng dẫn việc quản lý nguồn vốn này. Đồng thời, theo chức năng được giao, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng đã tham mưu cho UBND ra nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn công tác quyết toán vốn đầu tư. Do vậy, việc quản lý dự án đầu tư từ khâu giao kế hoạch, thực hiện kế hoạch, thanh toán và quyết toán đã dần đi vào nề nếp.
Cũng theo bà Dương, trong quá trình điều hành, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh Hưng Yên đã chủ động bố trí thêm các nguồn vốn khác của địa phương để đầu tư cho các dự án, đảm bảo tiến độ theo dự kiến.
Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn vốn đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp trong cả nước, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán, tránh dồn nhiều vào những tháng cuối năm. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án; rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền, báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án hoàn thành, có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Sở Tài chính Hưng Yên chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của địa phương và chủ đầu tư tăng cường kiểm tra thực tế, để tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án. Qua đó, kịp thời báo cáo UBND tỉnh có hướng giải quyết tháo gỡ.
Bộ Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chấp hành nghiêm chế độ tài chính theo quy định hiện hành và các cơ quan có thẩm quyền đối với chi phí quản lý dự án. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp với các nhà thầu, các đơn vị tư vấn để giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Bộ Tài chính lưu ý: Các chủ đầu tư phải khẩn trương tổ chức triển khai các dự án đã được giao kế hoạch theo đúng quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng; tổ chức thực hiện dự án theo đúng kế hoạch vốn được giao, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. |
Vân Hà