您现在的位置是:World Cup >>正文

【gwangju fc vs】Vai trò của chính sách ngoại giao "từng bước nhỏ" với an ninh châu Âu

World Cup67728人已围观

简介Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại cuộc gặp ...

Vai trò của chính sách ngoại giao "từng bước nhỏ" với an ninh châu Âu | Châu Âu | Vietnam+ (VietnamPlus)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại cuộc gặp ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm cách thức và phương tiện để đối thoại với Nga… bởi đây là phương án phù hợp hơn cả để bảo đảm ổn định và hòa bình ở châu Âu" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định như vậy sau chuyến công du con thoi 2 ngày ở Moskva và Kiev.

Chuyến đi này của Tổng thống Macron tới Nga không chỉ với tư cách là nguyên thủ Pháp, mà còn với vai trò của Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), một trong những đối tác chính trong tiến trình an ninh và hòa bình khu vực.

Theo Bộ trưởng Pháp đặc trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune, khi tham gia nỗ lực này, Tổng thống Macron cũng có ý định "đưa EU trở lại sân chơi." Đây cũng là một cách để củng cố vai trò Chủ tịch EU của nước Pháp, đồng thời để bác bỏ những ý kiến chỉ trích "EU đang ngày càng để mất vị thế địa chính trị."

Trước đó, có ý kiến cho rằng EU dường như đàn bị gạt ra bên lề trên bàn đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề an ninh châu Âu.

Từ tháng 12 năm ngoái, khi công bố những nội dung nghị sự ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc tới một "EU hùng mạnh, có đầy đủ chủ quyền, tự do với các lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình."

Trên thực tế, những căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine đang là thách thức đối với an ninh và ổn định ở châu Âu. Leo thang căng thẳng hiện không có lợi cho quốc gia nào, trong bối cảnh Nga và các nước EU đều đang chống chọi với đại dịch COVID-19gây khủng hoảng y tế và suy giảm kinh tế trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Macron tới Nga được đánh giá là hành động thể hiện vai trò dẫn dắt của Pháp, với tư cách Chủ tịch EU, trong những vấn đề của châu Âu.

Sự kiện hai vị nguyên thủ quốc gia Pháp và Nga, sau nhiều cuộc điện đàm, cuối cùng đã ngồi đối diện nhau để tìm cách tháo gỡ các vấn đề, giúp giảm căng thẳng ở châu Âu, đã là một bước đi tích cực. Đây cũng là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin với một lãnh đạo châu Âu kể từ khi căng thẳng trong quan hệ với Ukraine leo thang và là cuộc gặp thứ bảy với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, chưa kể 16 cuộc điện đàm giữa hai bên. Tất cả đều vì an ninh châu Âu và cũng là động thái nhằm ghi điểm quốc tế của nhà lãnh đạo Macron trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4 tới.

Trước chuyến đi này, trả lời phỏng vấn báo chí Pháp, Tổng thống Macron cho biết rõ ông không trông đợi gì nhiều, “điều cơ bản là tránh để tình hình xấu đi” trước khi thiết lập được các cơ chế gây dựng lòng tin.

Nhưng trên thực tế, Pháp có vai trò đáng kể trong bối cảnh hiện nay, bởi với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU và là một bên tham gia Nhóm bộ tứ theo Định dạng Normandy (tức cơ chế đàm phán bốn bên Pháp, Đức, Nga, Ukraine về khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine), Paris có thể đóng vai trò "cầu nối" giúp giảm căng thẳng quân sự Nga-Ukraine và khiến sự đối đầu Mỹ-Nga chùng xuống.

Trong cuộc hội đàm Nga-Pháp kéo dài hơn 5 giờ ở điện Kremlin, hai bên đã đề cập đến nhiều vấn đề, không chỉ xung quanh quan hệ với Ukraine mà cả sự phát triển của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và an ninh khu vực.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng thống Pháp cho biết đã đề nghị người đồng cấp Nga có những động thái tích cực nhằm "tránh dẫn đến chiến tranh" và "xây dựng các đảm bảo an ninh cụ thể cho tất cả các bên liên quan." Ông Macron đã thể hiện một lập trường được đánh giá là cân bằng khi tuyên bố: “Không có an ninh cho các nước châu Âu nếu không có an ninh cho Nga."

Trong khi đó, Tổng thống Nga bày tỏ sẵn sàng giải quyết theo logic này "để tìm ra những thỏa hiệp có thể làm hài lòng tất cả."

Theo Tổng thống Putin, cả ông và ông Macron đều không muốn nổ ra chiến tranh giữa Nga và NATO vì đó là "cuộc chiến không có người chiến thắng", do đó nhà lãnh đạo Nga bày tỏ ủng hộ các nỗ lực đối thoại theo con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn giữ quan điểm yêu cầu NATO trở lại giới hạn trước năm 1997, quá trình mở rộng về phía Đông của khối quân sự này phải kết thúc.

Tuy cuộc gặp không mang lại kết quả đột phá, nhưng đã có những trao đổi hữu ích. Ít nhất theo đánh giá của Tổng thống Pháp, hai bên đã đề cập đến “các biện pháp cụ thể để tránh leo thang."

Các biện pháp này sẽ cần phải bàn kỹ hơn, vì “một sự xuống thang an toàn và lâu dài đòi hỏi phải đi sâu vào các vấn đề thực chất” về đảm bảo an ninh cho một trật tự mới ở châu Âu.

Với Tổng thống Macron, không dễ dàng gì để giải được bài toán hóc búa giữa Nga và Ukraine mà vẫn đảm bảo sự gắn kết giữa các thành viên của EU. Với quan điểm về tăng cường sức mạnh và quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, Pháp luôn bị các đồng minh nghi ngờ là muốn làm suy yếu NATO.

Tuy nhiên, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine lần này, nhà lãnh đạo Pháp được cho là đang thực hiện chính sách "từng bước nhỏ" để hướng tới giải pháp cho vấn đề lớn. Kể từ đầu tháng, ông Macron đã tăng cường các cuộc gặp và điện đàm với tất cả các đối tác châu Âu và với Mỹ nhằm tham khảo ý kiến của các đồng minh.

Ngay sau chuyến công du tới Moskva và Kiev, Tổng thống Pháp đã tới Berlin ngày 8/2, gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Sau cuộc gặp này, lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan đã khẳng định lập trường chung duy trì hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, các thông điệp rõ ràng và quyết tâm cùng hành động, theo đó kêu gọi Nga bắt đầu đàm phán về an ninh châu Âu.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo của “Định dạng Normandy” (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine) sẽ gặp nhau ngày 10/2. Sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Kiev và Moskva trong các ngày 14 và 15/2 để tiếp tục các cuộc đối thoại về bảo đảm an ninh chung.

Đánh giá về cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp, Chủ tịch, người sáng lập tập đoàn Eurasia Group chuyên nghiên cứu và tư vấn về chính trị quốc tế (trụ sở tại New York, Mỹ), ông Ian Bremmer cho rằng sự kiện này đã mở rộng không gian cho các nỗ lực đối thoại nhằm giải quyết những bất đồng liên quan tới vấn đề Ukraine và an ninh ở châu Âu.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu người Pháp Cyrille Bret ở Học viện Chính trị Paris, chính sách ngoại giao “từng bước nhỏ” của Pháp có thể giúp các bên xuống thang căng thẳng mà "không bị mất mặt."

Với cuộc gặp của các bên thuộc Nhóm bộ tứ Normandy ngày 10/2, có thể nói chuyến công du vừa qua của Tổng thống Macron tới Nga đã đạt kết quả tích cực./.

Tags:

相关文章