(CMO) Sáng 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.
Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư. Các hoạt động chính trong giai đoạn này ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng.
Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng. Trong giai đoạn này, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng. Đặc biệt, nhiều dự án kéo dài từ 5-10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác cũng gặp vướng mắc, khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác. Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.
Như vậy, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng có cả hàng chục luật tác động. Nhưng quan trọng là cùng một vấn đề, giữa các luật này và luật kia còn có sự khác biệt. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư xây dựng có nhiều mặt khác nhau như quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế... nhưng hiện nay hoạt động thanh tra không có sự thống nhất giữa các ngành. Mỗi ngành lại có thanh tra riêng và không có ai là đầu mối.
Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ.
Vì vậy, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Tại tỉnh Cà Mau, theo thống kê, hiện hoạt động đầu tư xây dựng đóng góp khoảng 10% cho sự tăng trưởng GDP. Nhưng sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản quản lý có thể coi là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tính đến ngày 17/4, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 705.923 tỷ đồng, bằng 21% tổng kế hoạch vốn năm 2018. Từ tháng 3/2017 đến nay, giá cát trong xây dựng tăng cao, nhiều gói thầu xây lắp trọn gói, nhà thầu gặp nhiều khó khăn do trượt giá. Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá hợp đồng đối với các hợp đồng trọn gói có giá cát tăng đột biến vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Thủ tướng nêu rõ, nếu chỉ chỉnh sửa, sử đổi rãi rác từng luật thì không thể tháo gỡ kịp thời và khả thi các vướng mắc trong thực tiễn. Vì vậy cần phải nghiên cứu chỉnh sửa mang tính ổn định lâu dài. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ qua từng năm cho đến năm 2020 để các bộ chủ động thực hiện theo sự phân công.
Trung Đỉnh