(CMO)Đi theo tuyến lộ bê-tông dài hơn 7 km ở Ấp 7, một trong những ấp có đông đồng bào dân tộc nhất của xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình để tìm hiểu cuộc sống của bà con, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm cũng như sự quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo của người Khmer nơi đây.
Những điển hình
Bà con chịu khó lao động để phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tìm tòi học hỏi rồi xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả cho gia đình… Theo đó, những căn nhà tường khang trang của bà con là người dân tộc Khmer mọc lên ngày càng nhiều.
Nói về sự phấn đấu vươn lên của bà con đồng bào dân tộc, ông Thạch Ngọc Đức, người uy tín trong đồng bào Khmer Ấp 7, cho biết: “Bây giờ ý thức của bà con được nâng lên rất nhiều, họ chí thú làm ăn để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Không còn cảnh tụ tập chơi bời, nhậu nhẹt như trước nữa. Khi vận động thì hầu hết đều chấp hành các chủ trương rất tốt”.
Ông Thạch Ngọc Đức cũng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, được bà con trong cộng đồng tín nhiệm. Sự tín nhiệm ấy bắt nguồn từ tấm gương vượt khó vươn lên của ông. Hiện tại ông có 1,9 ha đất áp dụng mô hình trồng lúa, nuôi tôm. Ngoài ra còn kết hợp nuôi cá chình, cá bống tượng và chăn nuôi, mỗi năm đem về cho gia đình 200 triệu đồng.
“Lúc mới ra riêng chỉ được 3 công đất trồng lúa, nhưng thất bát liên miên, cuộc sống khổ lắm, cơm có lúc còn thiếu ăn. Tôi làm đủ việc để kiếm sống. Sau này, khi chuyển qua nuôi tôm thì mình có biết con tôm sú nó ra làm sao đâu, phải đi học hỏi để về nuôi. Xã mở các lớp tập huấn, tôi tích cực tham gia, nhờ đó sản xuất hiệu quả hơn. Kinh tế dần ổn định, từ đó mới có điều kiện mua thêm đất để mở rộng việc nuôi cá chình, cá bống tượng”, ông Thạch Ngọc Đức chia sẻ.
Ngồi trong căn nhà tường khang trang của ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ và thú vị với quá trình tạo dựng. Ông Thạch Ngọc Đức kể: “Lúc đó tôi vay vốn ngân hàng nhiều lần cộng lại gần 200 triệu đồng. Nhờ làm vuông trúng tôm với nuôi cá chình, cá bống tượng bán được giá, chỉ trong vòng 3 năm tôi trả dứt nợ. Hôm trước ôm tiền ra ngân hàng trả nợ thì hôm sau lên cát đá xây căn nhà này. Lúc đó nhiều người hỏi sao không xây nhà rồi hả trả nợ, nhưng tôi quyết tâm trả nợ ngân hàng xong, còn dư bao nhiêu mới quyết định cất nhà. Căn nhà sau khi hoàn thành khoảng 300 triệu đồng”.
Hỗ trợ nhau cùng phát triển
Ông Nguyễn Việt Bắc, Trưởng Ấp 7, cho biết: “Bây giờ ý thức của bà con đồng bào dân tộc nâng lên rất nhiều, họ chịu khó làm ăn. Nhiều người trong ấp thuộc diện hộ nghèo, nhưng sau quá trình được hỗ trợ và ý thức nỗ lực vươn lên, giờ kinh tế ổn định, chủ động làm đơn xin thoát nghèo. Thậm chí có những hộ Khmer khi làm ăn phát triển, tích cực đóng góp làm từ thiện, hỗ trợ lại hộ nghèo trong ấp, trong xã”.
Mô hình nuôi dê của ông Thạch Khuốl, Ấp 7, xã Tân Lộc Bắc. |
Một trong những tấm gương điển hình là ông Thạch Khuốl. Năm vừa qua ông đã trao 200 kg gạo cho bà con nghèo là người Khmer của xã Tân Lộc Bắc và Tân Lộc. Nói về việc làm này, ông Thạch Khuốl cười: “Mình trước đây nghèo khổ, cũng nhờ chính quyền, nhờ bà con hỗ trợ, giờ khá hơn thì giúp lại thôi. Rằm tháng 7 này tôi tiếp tục hỗ trợ gạo cho bà con!”.
Ông Thạch Lài, Ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, bộc bạch: “Chính quyền địa phương lo cho bà con chúng tôi lắm. Mấy năm trước nhà tôi được hỗ trợ vài chục con gà nuôi. Mấy năm nay kinh tế cũng ổn rồi, chứ trước đây cơ cực lắm. Nếu không nhờ ông trưởng ấp vận động thì tôi đã bán miếng đất này rồi. Còn đất, làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, ngoài ra nuôi thêm gà, vịt… nên thu nhập giờ ổn định. Năm rồi tôi được hỗ trợ heo giống nuôi nhưng tôi quyết định nhường lại cho hộ khác khó khăn hơn”.
Là cán bộ phụ trách công tác khuyến nông, khuyến ngư của xã Tân Lộc Bắc, anh Nguyễn Duy Thanh nhận xét: “Bà con người dân tộc có kinh nghiệm trong việc thực hiện các mô hình chăn nuôi. Ý thức học tập của họ khi tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư khá nghiêm túc. Dù tiếp thu có chậm nhưng khi học xong bà con về áp dụng rất đúng kỹ thuật. Điểm mạnh nhất của bà con người dân tộc Khmer là họ rất giỏi và chịu khó chăn nuôi nên các mô hình khi được triển khai đều thành công”./.
Ông Võ Văn Ấu, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc. Xã Tân Lộc Bắc có đông đồng bào dân tộc nhưng tập trung nhiều nhất ở Ấp 7 và Ấp 8. Hiện các ấp có đồng bào dân tộc đều được đầu tư rất cơ bản cả về kết cấu hạ tầng nông thôn… Có thể nói, đời sống của bà con ngày một phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song, quan trọng hơn hết là ý thức tự phấn đấu tự vươn lên của bà con. Hiện số hộ nghèo là người đồng bào dân tộc của xã giảm đáng kể, trong khi đó số hộ thoát nghèo và hộ khá giàu ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng để góp phần xây dựng xã Tân Lộc Bắc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018". |
Đặng Duẩn