Có sự chưa thống nhất về chính sách pháp luật Nhìn nhận lại có thể thấy, chỉ có Luật Thương mại năm 2005 cho phép doanh nghiệp trong nước gia công được thực hiện một số hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ như: bán, tiêu hủy, tặng biếu, xuất khẩu, còn Luật Hải quan năm 2001 và các văn bản luật khác đều không quy định về hình thức XNK tại chỗ. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, thực tế, hoạt động XNK tại chỗ đã được diễn ra từ năm 1998 đến nay, các văn bản về sau đều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hoá. Từ năm 2015, các quy định về XNK tại chỗ đã được quy định cụ thể hơn tại các nghị định của Chính phủ, trong khi đó pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có quy định hình thức XNK tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, nội hàm hoạt động XNK có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Về các trường hợp XNK tại chỗ, theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08, nhóm hàng hóa XNK tại chỗ bao gồm: Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (điểm a); hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan (điểm b); hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam (điểm c). Trường hợp hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (điểm a); hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan (điểm b) là hoạt động XNK thông thường, phù hợp với các Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Riêng trường hợp “hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35, theo Tổng cục Hải quan, bản chất đây là hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy trên cơ sở hai hợp đồng mua, bán riêng biệt; hàng hóa có thể là nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc là sản phẩm, hàng hóa khác để kinh doanh tiêu dùng, hoặc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, thi công công trình; hàng hóa không dịch chuyển qua lãnh thổ Việt Nam.
Đơn cử như doanh nghiệp Việt Nam A ký hợp đồng mua hàng của doanh nghiệp nước ngoài, không có hiện diện tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài mua hàng của một doanh nghiệp Việt Nam B và chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam A. Hàng hóa có thể là nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc là sản phẩm, hàng hóa khác để kinh doanh tiêu dùng, hoặc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, thi công công trình. Doanh nghiệp Việt Nam B sẽ nhận được tiền mua hàng từ doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam A sẽ phải thanh toán cho doanh nghiệp nước ngoài; hàng hóa không dịch chuyển qua lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, quy định này chưa phù hợp với pháp luật thương mại, pháp luật quản lý ngoại thương. Đảm bảo quản lý đúng bản chất Hoạt động XNK tại chỗ đã tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không phản ánh đúng bản chất của hàng hóa XNK theo pháp luật về thương mại và quản lý ngoại thương là hàng hóa phải được đưa ra, hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam, gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý và có thể xảy ra lợi dụng chính sách để gian lận. Chính vì vậy, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, căn cứ trên bản chất giao dịch của hàng hoá, Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Cụ thể là bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 35. Việc bỏ quy định này đồng nghĩa với việc phải rà soát, bãi bỏ đồng bộ các quy định liên quan đến XNK tại chỗ đang được quy định tại các pháp luật khác liên quan. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra hướng đề xuất chính sách thay thế việc làm thủ tục hải quan đối với hoạt động XNK tại chỗ khi chưa sửa Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, để đảm bảo quản lý đúng bản chất, giao dịch hàng hóa được mua bán tại Việt Nam. Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, nếu thay đổi, điều chỉnh quy định đã tồn tại một thời gian dài, chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát sinh vướng mắc. Do vậy, cần tính toán thật chi tiết để tìm giải pháp tối ưu./. |