6 nghệ nhân ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ được vinh danh gồm ông Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ nhân mây tre đan xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; ông Nguyễn Văn Trúc, nghệ nhân điêu khắc gỗ xã Hiền Giang, huyện Thường Tín; ông Đỗ Văn Mùi, nghệ nhân chạm khắc gỗ xã Vân Hà, huyện Đông Anh; ông Tô Thanh Sơn, nghệ nhân gốm sứ, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; ông Vũ Văn Giỏi, nghệ nhân thêu phục chế, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín; ông Nguyễn Quốc Sự, nghệ nhân thêu tay, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín.
36 nghệ nhân Hà Nội thuộc nhóm nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan, làm đàn đáy, tò he, chạm bọc đồng, sơn mài, khảm trai, dệt lụa, dát vàng quỳ, làm nhà gỗ truyền thống, đắp phù điêu…
5 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống gồm: Làng mộc dân dụng và làm gỗ Hương Ngải, huyện Thạch Thất; làng mộc dân dụng và đục chạm gỗ cao cấp Yên Quán, huyện Quốc Oai; làng thuốc nam dân tộc Dao, huyện Ba Vì; làng sản xuất hương Văn Trai Thượng, huyện Phú Xuyên; làng chế biến chè búp khô Đá Chông, huyện Ba Vì.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng vinh danh 41 cơ sở đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2013.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Quốc Sự, 72 tuổi ngành nghề thêu tay xúc động: ông có thâm niên 60 năm gắn bó với nghề thêu tay. Nay còn sức ông còn tiếp tục làm để đóng góp một phần nhỏ của mình bảo tồn nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và truyền nghề cho lớp kế cận.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Bình, 32 tuổi, ngành nghề đan mây tre, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ bày tỏ, có được vinh dự này, anh càng cảm thấy có trách nhiệm với chính nghề của cha ông để lại. Anh mong muốn làng nghề ngày càng phát triển để thu hút lớp trẻ theo nghề.
Với số nghệ nhân, làng nghề được vinh danh, hiện Hà Nội có 19 nghệ nhân ưu tú, 185 nghệ nhân Hà Nội, 286 làng nghề được công nhận. Đây là những hạt nhân tích cực trong sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mỹ thuật, kinh tế cao, truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ để các nghề truyền thống ngày càng phát triển./.
Đinh Thị Thuận