An toàn là hàng đầu Để kiểm soát dịch, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia đều chung quan điểm vắc xin là biện pháp bảo đảm tính bền vững cao. Do vậy ngay từ khi ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước gấp rút bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vắc xin.
Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh Covid-19, trong đó đã có vắc xin Nanocovac tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 trên người do Công ty Nanogen nghiên cứu, chế tạo; vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, sản xuất dự kiến sẽ thử nghiệm trong tháng 1/2021; hai cơ sở khác là Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) cũng đang chạy nước rút để sớm đưa vắc xin ra thị trường. Theo ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), cơ sở bắt đầu thực hiện nghiên cứu vắc xin Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vắc xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2020. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vắc xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng cuối năm 2021. Được biết, IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vắc-xin Covid-19 tương tự vắc xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. Khi nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc xin. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho biết, vắc xin Covid-19 của đơn vị đã đạt đủ điều kiện an toàn khi thử nghiệm trên động vật, đang trong giai đoạn hoàn tất thử nghiệm để có đủ kết quả đánh giá đáp ứng miễn dịch và khả năng bảo vệ trên động vật tiến tới thử nghiệm trên người. Nhấn mạnh việc “chạy đua” với thời gian trong nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, song song với việc thử nghiệm giai đoạn 1, các cơ sở cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. “Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vắc xin càng sớm càng tốt, song không vội vàng, yếu tố an toàn cần đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý. Theo các chuyên gia, trong nghiên cứu vắc xin, ngoài nỗ lực của cơ sở thì việc tạo cơ chế của cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất quan trọng. Và về điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đưa ra thủ tục rút gọn nhưng vẫn đảm bảo về chuyên môn. Theo đó, vắc xin phòng Covid-19 sẽ được đăng ký một cách nhanh nhất theo quy trình khẩn cấp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin. “Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định. Chờ đợi vắc xin nhập khẩu Qua tìm hiểu phóng viên được biết hiện một số đơn vị sản xuất vắc xin đang phối hợp đưa vắc xin Covid-19 từ nước ngoài về tiêm dịch vụ cho người dân, song điều này không dễ dàng. Ông Hồ Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen- đơn vị đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 trên người cho biết, đơn vị này đang tìm mua vắc xin Covid-19 trên thế giới. “Chúng tôi đang tìm mua vắc xin Covid-19 ở nước ngoài, thậm chí chấp nhận mua giá cao để so sánh với vắc xin Nano Covax đang thử nghiệm của Nanogen. Tuy nhiên, việc mua vắc xin Covid-19 trong giai đoạn này là không dễ dàng”, ông Hồ Nhân nói. Việc nhập khẩu vắc xin Covid-19 có thể qua 2 con đường: Chính thống qua hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc nhập theo dịch vụ. Theo đó, các đơn vị có tiềm lực có thể mua vắc xin Covid-19 dịch vụ song bắt buộc phải được Bộ Y tế thông qua và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Khi vắc xin muốn đưa về Việt Nam cần trải qua nhiều bước và thủ tục phức tạp. Đặc biệt, ngành Y tế phải tính toán các phương án thử nghiệm bắc cầu, thử nghiệm an toàn..., trước khi tiêm cho người dân trong nước. Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay cơ quan này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nhập khẩu vắc xin. Theo đó, khi các công ty sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ở nước ngoài đã đăng ký ở nước đó, chuyển cho Việt Nam toàn bộ dữ liệu lâm sàng thì sẽ được cấp phép đăng ký ngay ở nước ta. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào COVAX (Sáng kiến hợp tác toàn cầu thúc đẩy phát triển, sản xuất, tiếp cận công bằng vắc xin, xét nghiệm và các phương pháp điều trị) để tạo ra cơ chế cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Thông tin cụ thể hơn về lộ trình nhập khẩu vắc xin Covid-19, tại họp báo Chính phủ tổ chức tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam đang đồng thời đàm phán với 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vắc xin. Trong số đó, Việt Nam đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua vắc xin AstraZeneca. “Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vắc xin cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý 1 đến quý 4 sẽ có vắc xin”, ông Cường nói. Với vắc xin của Nga, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định việc mua vắc xin còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng và hiệu quả thử nghiệm lâm sàng. Trên thế giới, 5 loại vắc xin đã được phê duyệt gồm có: BioNTech-Pfizer, Modena (Mỹ), Sputnik V (Nga), CoronaVac (Trung Quốc) và ChAdOx1 nCoV-19 (Anh). |